Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cách bảo quản thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng, không lo mất điện mùa mưa bão

Thứ hai, 21/07/2025 15:20 (GMT+7)

Trong mùa mưa bão, thực phẩm không chỉ là chuyện ăn uống mà còn là câu chuyện về an toàn, sức khỏe và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Làm thế nào để tủ lạnh không trở thành "bãi rác vi khuẩn" khi mất điện, và bữa ăn gia đình vẫn đủ chất, đủ vị?

Khi bầu trời chuyển màu xám xịt và những trận gió bắt đầu giật mạnh, điều đầu tiên mà các bà nội trợ nghĩ đến không phải là ôm gối chờ bão, mà là “hôm nay mua gì để cả nhà đủ ăn, an toàn trong mấy ngày sắp tới?”.

Vì bão không chỉ mang theo mưa gió mà còn kéo theo nguy cơ mất điện, ngập lụt và tắc nghẽn giao thông. Trong hoàn cảnh đó, việc dự trữ thực phẩm đúng cách là "cứu cánh" cho hàng triệu gia đình Việt.

Thực phẩm tươi nên rửa sạch, chia nhỏ, bọc kỹ và cho vào ngăn đá, đảm bảo dùng dần trong 3-5 ngày.

Thực phẩm tươi: Sơ chế trước, cấp đông ngay

Thịt lợn, gà, bò… là những thực phẩm không thể thiếu. Nhưng nếu mua về rồi để nguyên cả miếng, chưa rửa, chưa chia phần, thì khi mất điện, tủ lạnh trở thành “nồi ủ nhiệt” khiến vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, nên rửa sạch, chia nhỏ, bọc kỹ và cho vào ngăn đá - đảm bảo dùng dần trong 3-5 ngày.

Riêng rau xanh, hãy chọn những loại “bền bỉ” với thời gian như bắp cải, cải thảo. Nếu muốn ăn đa dạng, nên ưu tiên các loại củ quả như bí đỏ, cà rốt, khoai tây, bầu, cà chua, có thể bảo quản trong 7-10 ngày, thậm chí hơn nếu giữ mát.

Đồ khô và thực phẩm đóng hộp chính là vị cứu tinh khi mất điện.

Đồ khô và thực phẩm đóng hộp: “Cứu tinh” mùa giông gió

Khi bếp không thể nổi lửa, điện thì mất, lúc đó đồ hộp và đồ khô chính là “vị cứu tinh”. Mì gói, ruốc, bánh mỳ, xúc xích, thịt hộp, cá hộp… đều dễ chế biến, bảo quản lâu và đủ năng lượng cho một bữa no.

Đặc biệt, đừng quên chuẩn bị đầy đủ các gia vị cơ bản như dầu ăn, mắm, muối, đường, gạo, nước mắm… vì đó là “nền móng” của mọi bữa cơm gia đình.

Hãy chủ động tích trữ ít nhất 3 lít nước uống/người/ngày.

Dự trữ nước uống: Không đợi đến lúc mất mới lo

Dù có thể trữ gạo, đồ hộp cả tuần, nhưng nếu thiếu nước, bạn sẽ “khát khô cổ” chỉ sau 1 ngày. Hãy chủ động tích trữ ít nhất 3 lít nước uống/người/ngày trong 3 ngày. Bên cạnh đó, nên có thêm nước đóng chai, nước trái cây và sữa hộp để bổ sung dưỡng chất.

Không nên để nước uống dưới sàn, vì nguy cơ ngập lụt có thể khiến nước bị nhiễm bẩn. Hãy cất ở nơi cao ráo, dễ lấy khi cần.

Không nên mở tủ lạnh quá nhiều.

Khi mất điện: Đừng mở tủ lạnh quá nhiều

Khi điện cắt, nguyên tắc sống còn là: “Đóng chặt tủ lạnh, đừng tò mò mở ra liên tục!”. Một tủ đá đầy thực phẩm sẽ giữ lạnh khoảng 48 giờ nếu không bị mở nắp; nếu chỉ đầy một nửa, con số này giảm còn 24 giờ. Riêng tủ lạnh, chỉ giữ nhiệt được khoảng 4 giờ sau khi mất điện.

Nếu quá thời gian đó, thức ăn đã rã đông, đừng tiếc, hãy bỏ đi, nhất là các món như sữa, thịt sống, cá, trứng, cơm thừa, rau sống, nước sốt… vì rất dễ nhiễm khuẩn.

Khi nhà bị ngập: Hãy ăn sạch, uống sạch, đừng “tiếc của”

Tuyệt đối không ăn thức ăn bị ngấm nước lụt hay rơi xuống sàn. Đồ hộp, gạo, rau... nếu dính nước ngập cần xem xét thật kỹ trước khi sử dụng. Trong lúc khẩn cấp, hãy ưu tiên nước đun sôi để nguội, nước đóng chai, thực phẩm khô sạch.

Hãy nhớ: Chỉ một món ăn hỏng cũng có thể làm cả nhà đau bụng, mất sức giữa mùa mưa gió.

Dự trữ thực phẩm trong mùa mưa bão không phải là tích cho đầy tủ, mà là tích sao cho đúng, đủ và an toàn. Bão có thể qua nhanh, nhưng sức khỏe là chuyện dài lâu. Hãy chuẩn bị như một người “biết lo xa”, để dù mưa có lớn đến đâu, bữa cơm nhà vẫn ấm lòng, đầy đủ.