Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bỏ gần trăm triệu mua thẻ tập, nhiều người trẻ 'vứt xó' vì lười

Chủ nhật, 16/03/2025 16:50 (GMT+7)

Dù đã mạnh tay chi gần trăm triệu đồng cho thẻ tập, nhiều bạn trẻ vẫn "vứt xó", mua thẻ vài năm nhưng chỉ tập được vài tháng rồi bỏ dở.

Trong cuộc sống hiện đại, việc duy trì một thói quen tập thể dục dường như ngày càng trở thành thử thách lớn đối với nhiều người. Nam Phương (24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã chi đến 70 triệu đồng để mua thẻ tập yoga trong 5 năm và chi thêm hơn 4 triệu đồng mỗi năm để duy trì thẻ tại một chuỗi phòng tập nổi tiếng.

Theo Nam Phương, cô đã tìm hiểu một số cơ sở gym gần nhà và quyết định đi tập thử. Thông thường, mọi người sẽ tập vài lần và nghiên cứu kỹ, nhưng do nhu cầu cấp bách và sự tư vấn hấp dẫn từ nhân viên sales, Phương đã quyết định đăng ký gói 3 năm/lần ngay trong lần đầu tiên thử ở trung tâm.

"Khoản tiền này không phải là nhỏ đối với tôi, nhưng vì tôi thường xuyên bị ốm nên tôi hy vọng rằng khi đã đầu tư nhiều như vậy thì mình sẽ cảm thấy tiếc và có động lực để đi tập hơn", Phương chia sẻ.

Trong 2-3 năm đầu, Phương rất chăm chỉ đến phòng tập. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ dần thay đổi. Phương chia sẻ: "Thói quen sống của tôi thay đổi hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội vì phải ở nhà lâu và không thể đi tập đều đặn. Sau dịch, tôi chỉ tập yoga vài buổi/tháng, thậm chí có những tháng không tập gì cả. Mỗi khi nghĩ đến việc đến phòng tập, tôi lại cảm thấy lười biếng và không còn hứng thú như lúc ban đầu".

Ngoài ra, sau khi ra trường, Phương cũng trở nên bận rộn hơn với công việc, khiến cô không còn thời gian để tập luyện hay chăm sóc sức khỏe. Phương giải thích: "Sáng tôi phải đi làm từ sớm, còn chiều tan sở lúc 5 giờ, nhưng vì tắc đường, đến phòng tập rồi về nhà thì cũng đã quá muộn".

Theo Phương, mấy người bạn của cô cũng từng đầu tư thẻ tập gym cả năm để giảm cân, nhưng chỉ tập được vài buổi là lại vứt xó, bỏ tập. Họ thậm chí còn không thể duy trì được thói quen, thua xa những cụ già U70, U80 vẫn đều đặn vận động mỗi ngày.

Tuy vậy, vì "không thể để khoản đầu tư vào thẻ tập trước đó trở nên vô nghĩa" nên Phương sẽ cân nhắc và tìm cách sắp xếp thời gian hợp lý để đi tập. Cô đang nghĩ đến việc có thể dành 1 tiếng vào buổi trưa để đi tập, nhằm rèn luyện thói quen và tránh lãng phí tiền bạc đã bỏ ra.

Tương tự như Nam Phương, Chị Thu Huyền (36 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) từng rất hào hứng bắt đầu tập thể thao, nhưng gặp khó khăn trong việc duy trì thói quen do thiếu động lực và không có bạn bè tập cùng.

Thu Huyền chia sẻ: "Trước đây tôi có một người em đi cùng, nhưng sau đó em ấy nghỉ. Mỗi lần nghĩ đến việc đi một mình, tôi lại cảm thấy chán nản". Dù đã đầu tư 50 triệu đồng vào một phòng tập ở quận Thanh Xuân suốt 7 năm nhưng việc thiếu bạn đồng hành khiến chị lười biếng và lãng phí khoản chi phí đã bỏ ra cho thẻ tập.

Chị Huyền cho biết, trước đây đã thử Yoga, Pilates tại phòng gym nhưng những môn này thiếu yếu tố đồng đội. Chị cảm thấy cần một môn thể thao nhóm như leo núi, cầu lông hay bơi lội để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có cơ hội giao lưu và kết bạn.

Chị Huyền tham gia môn thể thao nhóm để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có cơ hội giao lưu và kết bạn. Ảnh nhân vật cung cấp.

Theo chị Huyền, gần đây, nhiều phòng gym đã tổ chức các lớp học và hoạt động thể thao mang tính đồng đội như giải đấu nhỏ, lớp thể dục nhóm hay những buổi tập kết hợp giao lưu. "Thấy nhiều người tham gia, tôi cũng muốn thử. Họ giúp đỡ nhau trong suốt buổi tập, và chính điều này tạo động lực cho tôi. Tôi cũng bắt đầu sắp xếp lại thời gian để quay lại phòng tập đều đặn hơn", chị chia sẻ.

Theo chị Thu Huyền, để duy trì lối sống lành mạnh, người tập cần vượt qua sự lười biếng và tìm cách tham gia vào các hoạt động thể thao phù hợp. Với những thay đổi này, chị hy vọng có thể duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, không chỉ vì sức khỏe mà còn để tìm lại cảm giác vui vẻ và năng động từ các môn thể thao mang tính cộng đồng.

Không chỉ Nam Phương và chị Thu Huyền, nhiều người cũng chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội về việc "mua thẻ tập gym cả năm rồi để vứt xó vì lười".

Tài khoản Huyen Vu chia sẻ: "Tôi thường xuyên phải tăng ca, chạy deadline. Về đến nhà, chỉ muốn nằm dài trên giường. Ý chí ban đầu tập luyện cũng dần bị lãng quên".

Tương tự, tài khoản Tri Duong cho biết: "Trước đây, tôi mua thẻ 4 năm để tập mà mỗi tuần đi được có 1-2 lần. Lãng phí quá! Tôi đã rủ con trai đi tập cùng để mình có thêm động lực hơn".

Theo số liệu thống kê từ Cục Thể dục Thể thao, năm 2024 số người tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 37,5 % (tăng 0,8% so với năm 2023); số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 28,3% tổng số hộ (tăng 0,7% so với năm 2023).
Theo dữ liệu một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, Fitness là loại hình thể dục phổ biến nhất (85%), phổ biến nhất là Đi bộ, chạy bộ, đạp xe. Mục tiêu tập thể dục phổ biến nhất là bao gồm Giúp xương chắc khỏe (48%), Giảm stress (43%), Giảm cân (40%)
Địa điểm tập thể dục phổ biến nhất là nơi công cộng (46%) và phòng gym địa phương (33%). Ba yếu tố quan trọng khi chọn địa điểm tập luyện là bầu không khí thoải mái, gần nhà và thời gian linh động. Khoảng 72% người tập thể dục sẵn sàng chi trả chi phí cho việc tập luyện, trong khi 28% không chi trả. Hơn 90% người tham gia tập thể dục xem video trực tuyến về fitness và các bài tập. Nội dung được ưa chuộng nhất bao gồm bài tập hàng ngày (57%), bài tập cho từng bộ phận của cơ thể (44%) và chế độ ăn lành mạnh (44%).

Theo Phương Hồng (Tạp chí Lao động&Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn