Baemin chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam

Thứ bảy, 25/11/2023, 10:38 AM

Không còn như lời đồn đoán, Baemin đã thông báo chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam vào ngày 8.12.

Trong thông báo mới nhất được gửi tới người dùng trưa nay (24.11), Baemin cho biết sẽ chính thức ngừng hoạt động từ 0 giờ ngày 8.12.

"Quyết định này được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại", thông báo cho biết. 

Delivery Hero, công ty mẹ của Baemin Việt Nam, cho biết chiến lược lúc này là tập trung các thị trường đang dẫn đầu và có khả năng dẫn đầu. Tại Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của ứng dụng này trong vài tuần tới là hỗ trợ cũng như hoàn tất nghĩa vụ và trách nhiệm với toàn thể nhân viên, các đối tác tài xế và đối tác nhà hàng.

Thông báo của Baemin gửi cho người dùng vào trưa nay 24.11

Thông báo của Baemin gửi cho người dùng vào trưa nay 24.11

Theo thông báo từ Baemin Việt Nam, người dùng vẫn có thể đặt món trên ứng dụng đến 0 giờ ngày 8.12 và khuyến cáo nên sử dụng hết các ưu đãi giảm giá trước thời hạn này. Với các đối tác nhà hàng thì thời điểm cuối cùng có thể truy cập ứng dụng Baemin là 12.12.

Baemin gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2019 và nhanh chóng nổi lên bởi loạt chiến lược marketing hấp dẫn và từng được xem là một đối thủ đáng gờm của Grab và ShopeeFood. Chính vì vậy, nhiều khách hàng vốn đã quen với những dự án và nội dung “mặn mòi”, sáng tạo từ thương hiệu giao đồ ăn này đã không khỏi tiếc nuối trước thông báo từ Baemin.

Những biển quảng cáo gây ấn tượng của Baemin tại TP.HCM - Ảnh: TL

Những biển quảng cáo gây ấn tượng của Baemin tại TP.HCM - Ảnh: TL

Hồi cuối tháng 9, Baemin đã dừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An và Bắc Ninh; bổ nhiệm giám đốc điều hành mới là bà Cao Thị Ngọc Loan thay ông Jinwoo Song đã từ chức. Những động thái này được hiểu là một bước hướng tới việc rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam của Baemin.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu Statista, tại Việt Nam, thị trường ứng dụng đồ ăn là một mảnh đất màu mỡ khi tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn đạt 1,1 tỉ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, Baemin chỉ nắm 12% thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam, còn Grab chiếm 45%, ShopeeFood chiếm 41%.

Baemin được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, thành viên của liên doanh giữa Woowa Brothers - công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero - tập đoàn công nghệ giao đồ ăn tại hơn 50 quốc gia.

Theo 1thegioi.vn

largeer