Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tiếp tục là những thị trường thu hút lao động Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên hiện nay xu hướng xuất khẩu sang các nước châu Âu cũng dần mở rộng.
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.247 người, đạt 42,95% kế hoạch năm 2019. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước hoàn tất thủ tục trình bộ cấp mới giấy phép cho 25 doanh nghiệp. Hiện cả nước có 328 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Các thị trường dẫn đầu về mức thu hút lao động Việt, lần lượt là Đài Loan 24.827 người (8.128 nữ), Nhật Bản: 17.252 người, Hàn Quốc: 2.272 người, Ả rập - Xê út: 862 người, Algeria: 539 người, Malaysia: 419 người, Rumania: 486 người...
Với thị trường Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai bản ghi nhớ đặc biệt giữa Việt Nam - Nhật Bản hướng dẫn và cung cấp danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện đưa thực tập sinh đi Nhật Bản cho cơ quan quản lý chương trình Thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT).
Trong những tháng đầu năm 2019, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức xuất cảnh cho 219 ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 5 theo Chương trình hợp tác đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Qua đó đưa số ứng viên điều dưỡng, hộ lý xuất cảnh sang Nhật Bản theo chương trình trên là 673 người. Nhật Bản đang là thị trường tiềm năng nhất hiện nay với số lượng tiếp nhận năm 2017 là 54.000 người và có xu hướng tăng cao do nhu cầu chuẩn bị nhân lực cho Olympic 2020. Nhật Bản cũng tăng cường tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến 2025 và lao động có thể gia hạn đến 10 năm.
Với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai thực hiện Bản ghi nhớ 2019 giữa Việt Nam - Hàn Quốc về việc thi tiếng Hàn và tuyển 7.900 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo 6.300 người, ngành ngư nghiệp 1.600 người.
Số lượng người đăng ký tham gia thi tiếng Hàn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo là 11.625 người. Bộ LĐ-TBXH đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo kỳ thi tiếng Hàn 2019 và ban tổ chức kỳ thi.
Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngay từ đầu năm 2019, nhiều thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động Việt Nam.
Việt Nam cũng vừa ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bulgaria và Romania. Các biên bản này đã mở ra hàng trăm ngàn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại châu Âu. Dự kiến chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 4 lĩnh vực: Xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Romania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu với nhu cầu tiếp nhận lao động có ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập cơ bản từ 600-1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của người lao động vào khoảng 40 triệu đồng/người. Ngoài ra các nước có dân số già hóa nhanh chóng ở châu Âu như Ba Lan, Đức, Nga... cũng đang thiếu hụt nguồn lao động và ưu tiên sử dụng lao động từ Việt Nam.
Nhìn chung, năm 2019 các thị trường trên có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà lao động Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt như điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao...
Đại diện địa phương xuất khẩu lao động cao bậc nhất nước, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp nhận định, đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giúp giảm nghèo mà còn là cơ hội tạo nguồn nhân lực chất lượng, có vốn và tay nghề ổn định sau khi về nước. Với tâm thế đó, ông Hoan yêu cầu công tác tuyên truyền phải thật sự đổi mới, tập trung đi vào người thật, việc thật qua các phóng sự, câu chuyện truyền thanh... giúp người dân thay đổi dần tư duy “ao nhà” mà vươn ra biển lớn.
Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Tháp cũng xây dựng kế hoạch cho 3 giai đoạn: Trước, trong và sau khi đưa lao động đi nước ngoài làm việc; trong đó, ở mỗi giai đoạn cần phân công cụ thể từng ngành, đơn vị tham gia; đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị để công tác này ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Dự báo tình hình xuất khẩu lao động 6 tháng cuối năm 2019 sẽ rất phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu lao động trong nhiều lĩnh vực của thị trường nhiều nước. Bộ LĐ-TBXH cũng có những chính sách hỗ trợ lao động bằng chương trình xuất khẩu lao động miễn phí như IM Japan... qua đó tạo cơ hội cho nhiều lao động tham gia hơn.
NGUYỄN NGỌC
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội