Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Tỷ phú Elon Musk sắp mua lại TikTok ở Mỹ

Thứ tư, 15/01/2025 07:45 (GMT+7)

Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc khả năng bán lại hoạt động của TikTok tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền tảng chia sẻ video TikTok đang đối diện với một đạo luật của Mỹ, yêu cầu công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) phải chuyển nhượng hoặc đóng cửa ứng dụng này trước ngày 19/1 tới.

Theo các nguồn tin, nếu thương vụ được triển khai, mạng xã hội X của Elon Musk có thể tiếp quản TikTok tại Mỹ và quản lý hoạt động kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, hiện tại, các quan chức Trung Quốc vẫn chưa thống nhất về cách thức và phương án cụ thể để thực hiện việc chuyển nhượng.

Các cuộc thảo luận về việc bán TikTok đang ở giai đoạn sơ bộ, và Bắc Kinh vẫn ưu tiên việc TikTok tiếp tục nằm dưới sự quản lý của ByteDance. Trong khi đó, TikTok từ chối bình luận về thông tin này, và ông chủ của X, Elon Musk, cũng chưa đưa ra phản hồi. Các cơ quan có liên quan tại Trung Quốc, như Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) và Bộ Thương mại Trung Quốc, cũng chưa có phát biểu chính thức.

r6ujuncf6jjwjoji2zpjctxmqy-173-1994-8284-1736821288-1736868205.jpg
Logo ứng dụng TikTok hiển thị trên màn hình điện thoại hồi tháng 8/2022. Ảnh minh họa 

Mặc dù Bắc Kinh đang tìm cách duy trì quyền sở hữu TikTok trong tay ByteDance, nhưng hiện công ty này đang kháng cáo lệnh cấm của chính phủ Mỹ tại Tòa án Tối cao. Trong phiên điều trần ngày 10/1, các thẩm phán Mỹ đã có dấu hiệu ủng hộ đạo luật yêu cầu ByteDance bán TikTok, khiến tương lai của nền tảng này tại Mỹ càng thêm mờ mịt.

Trước tình hình này, nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về các phương án dự phòng, trong đó việc bán TikTok cho Elon Musk là một trong những phương án được cân nhắc. Theo các nguồn tin, giá trị của TikTok tại Mỹ hiện ước tính dao động từ 40 đến 50 tỷ USD.

Đạo luật yêu cầu ByteDance bán TikTok hoặc đóng cửa nền tảng này đã được thông qua từ năm ngoái và dự kiến có hiệu lực vào ngày 19/1. Động thái này diễn ra đúng một ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Chính quyền Mỹ cáo buộc TikTok có thể là công cụ thu thập dữ liệu và giám sát người dùng cho chính phủ Trung Quốc, đồng thời là kênh phát tán tuyên truyền. Tuy nhiên, Trung Quốc và ByteDance đã phủ nhận các cáo buộc này.

TikTok đã phản đối đạo luật và kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ. Trong phiên tranh luận ngày 10/1, phần lớn các thẩm phán đều bày tỏ nghi ngờ với lập luận của luật sư đại diện TikTok rằng yêu cầu bán nền tảng vi phạm quyền tự do ngôn luận của Mỹ.

Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi Quốc hội và Tổng thống Joe Biden gia hạn thời hạn áp dụng đạo luật nhằm vào TikTok. Thượng nghị sĩ Edward Markey cho biết ông sẽ đề xuất một dự luật để hoãn thời gian yêu cầu ByteDance bán TikTok thêm 270 ngày. Hạ nghị sĩ Ro Khanna, cũng thuộc đảng Dân chủ, kêu gọi ông Biden và ông Trump tạm dừng lệnh cấm này, lo ngại rằng hàng triệu người Mỹ sẽ mất công ăn việc làm nếu TikTok bị cấm.

Nếu đạo luật không được tòa án ngừng lại vào ngày 19/1, việc tải ứng dụng TikTok từ các cửa hàng của Apple và Google sẽ bị cấm, mặc dù người dùng hiện tại vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, dịch vụ của ứng dụng sẽ dần suy giảm và cuối cùng ngừng hoạt động khi các công ty không thể duy trì hỗ trợ.

Đến nay, Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Theo Bảo Vy (Góc nhìn pháp lý)
Nguồn: gocnhinphaply.nguoiduatin.vn