Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Angimex: Từ giấc mơ 'tượng đài lúa gạo' đến bị hủy niêm yết bắt buộc, giá cổ phiếu chưa bằng ly trà đá

Thứ bảy, 12/04/2025 07:08 (GMT+7)

Angimex từng là "đại gia" xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, thế nhưng sau cơ duyên với Louis Holdings với lời hứa đưa công ty trở thành "tượng đài lúa gạo", công ty kinh doanh bết bát, nợ chồng chất. Mới đây doanh nghiệp xuất khẩu gạo này đã nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE.

Mới đây, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) đã có văn bản giải trình tới HOSE về việc cổ phiếu nằm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 2/4/2025 đến ngày 9/4/2025.

AGM giảm sàn 5 phiên liên tiếp. (Ảnh chụp màn hình).

Theo đó, công ty nhận thấy có thể do các thông tin liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, tài khoản tại 3 ngân hàng bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu AGM giảm sàn 5 phiên liền nhau.

Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, vốn chủ sở hữu âm, tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp đã dẫn đến việc cổ phiếu AGM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo như Thông báo số 383 ngày 1/4/2025 của HoSE.

Bên cạnh đó, tài khoản của công ty tại 3 ngân hàng (BIDV, VietinBank và Vietcombank) bị phong tỏa theo yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Angimex cho biết, công ty không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoản, nên việc giảm sàn 5 phiên liên tiếp ngoài các thông tin như đã nêu trên là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Những ngày vừa qua, giai đoạn 3/4 đến 9/4, thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung bị ảnh hưởng bởi tâm lý bán tháo khi Mỹ tuyên bố mức thuế quan đối ứng với hàng loạt quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam thuộc nhóm cao nhất với 46%.

Ngay sau thông tin này, các chỉ số thị trường VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều giảm điềm trầm trọng, với số cổ phiếu bị bán tháo cao áp đảo so với số cổ phiếu giao dịch trong sắc xanh. Vì vậy giá cổ phiếu AGM cũng chịu áp lực một phần từ thị trường.

Từ giấc mộng trở thành "tượng đài lúa gạo"...

Angimex có trụ sở tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, được thành lập năm 1976 và cổ phần hóa ngày 1/1/2008. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo (xuất khẩu trực tiếp, tiêu thụ nội địa và cung ứng xuất khẩu); kinh doanh xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy.

Angimex từng là doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam với năng lực sản xuất khoảng 250.000 tấn gạo/năm, trong đó 61% tổng doanh thu kinh doanh gạo đến từ xuất khẩu, với các thị trường chính là châu Á, Trung Đông và châu Mỹ.

Giai đoạn phát triển, 2017 - 2021, Angimex này thu về hơn 2.000 tỷ đồng/năm từ việc xuất khẩu gạo. Trong đó đỉnh cao là con số gần 4.000 tỷ đồng năm 2021. Lợi nhuận sau thuế thu về mỗi năm vài chục tỷ đồng, do giá vốn neo cao. Dù vậy, Angimex vẫn được coi là "ăn nên làm ra" trong giai đoạn trước COVID-19.

Nguồn: Báo cáo tài chính.

...đến nhận bản án "hủy niêm yết"

Thế nhưng tới năm 2021, biến cố bắt đầu xảy ra. Angimex từng có mối liên quan mật thiết với hệ sinh thái Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings.

Khi đó, Louis Holdings bắt đầu mua gom cổ phiếu AGM từ nửa cuối năm 2021 và đến đầu năm 2022 đã chính thức trở thành công ty mẹ của Angimex với tỷ lệ sở hữu 51,17% vốn điều lệ, tương đương hơn 9,3 triệu cổ phiếu. Khi đó là ông Đỗ Thành Nhân chia sẻ tham vọng sẽ vực dậy doanh nghiệp có vị thế hàng đầu ngành lúa gạo một thời thành “tượng đài lúa gạo” của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Nhân sau đó đã bị khởi tố vì tội danh "thao túng thị trường chứng khoán" từng làm dậy sóng thị trường một thời 2021 - 2022.

Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings bị bắt vì tội thao túng chứng khoán. (Ảnh: Louis Holdings).

Sau thời điểm đó, hoạt động kinh doanh của Angimex liên tục lao dốc. Hết thời hoàng kim 2021, ba năm tiếp theo Angimex liên tục thua lỗ hàng trăm tỷ khi chịu gánh nặng chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi vay, chi phí đầu tư tài chính và lỗ tỷ giá bủa vây.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024, doanh thu thuần năm vừa rồi giảm gần 70% về 241 tỷ đồng. Công ty kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp hơn 8 tỷ.

Trừ các chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp, Angimex lỗ sau thuế 260 tỷ đồng. Con số này đã đưa tổng mức lỗ lũy kế tính đến hết năm vừa rồi lên hơn 425 tỷ đồng. Đồng thời vốn chủ sở hữu bị ăn mòn toàn bộ, âm 243 tỷ.

Nguồn: Báo cáo tài chính.

Kinh doanh yếu kém sau đại dịch COVID-19, Angimex còn đối mặt với số nợ khổng lồ. Tính đến hết tháng 12/2024, tổng nợ phải trả gần 1.300 tỷ đồng, trong đó dư nợ đi vay hơn 950 tỷ đồng.

Ngoài vay nợ ngân hàng, Angimex đang có 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 560 tỷ đồng với lãi suất 7% - 12%/năm. Công ty cũng đã nhiều lần xin khất nợ đến hạn của trái chủ.

Để trả các khoản nợ đến hạn, Angimex đã liên tiếp bán tài sản nhằm tạo dòng tiền, phục hồi hoạt động kinh doanh - phương án mà doanh nghiệp thực hiện từ năm 2023 đến nay.

Angimex từng bán nhà máy chế biến lúa gạo Bình Thành (An Giang) cho Công ty cổ phần APC Holdings (Hà Nội). Hay mới đây nhất là quyết định chuyển nhượng toàn bộ 49% phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex Furious.

Thế nhưng Angimex dường như đã "cạn sức". Ngay ngày 9/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với 18,2 triệu cổ phiếu AGM. Lý do là thua lỗ trong 3 năm liên tục từ 2022-2024, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm. Thời gian hiệu lực từ ngày 9/5.

Như đã đề cập ở trên, cổ phiếu AGM từng dậy sóng trong giai đoạn nửa cuối 2021 và đầu năm 2022 với đỉnh điểm chạm mốc 12.000 đồng/cp. Thế nhưng sau thông tin ông Đỗ Thành Nhân bị bắt và kinh doanh kém khả quan, hiện AGM có giá chưa bằng một cốc trà đá với 2.100 đồng/cp chốt phiên 10/4.

Diễn biến giá AGM trong 5 năm qua. (Nguồn: TradingView).
Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn