Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long bắt tay nhau phát triển du lịch
Ngày 17/11/2018, UBND 4 tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được chính phủ phê duyệt và du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, du lịch Việt Nam cũng sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.
Đối với đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, phân vùng lãnh thổ du lịch sẽ được phân làm 4 cụm du lịch, trong đó tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL được dự báo sẽ phát triển được các sản phẩm chủ đạo, bao gồm du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân (homestay), tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng...
Kế hoạch phát triển rất quy mô, nhưng tính đến hết năm 2017, tổng lượt khách của 4 tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long mới chỉ đạt 5,1 triệu lượt, chiếm 11,3% so với tổng lượt khách đến khu vực ĐBSCL. Năm ngoái, số lượng khách nội địa đến các tỉnh thuộc tiểu vùng còn khiêm tốn dù cho số lượng khách quốc tế của vùng là khá khả quan: hơn 1,6 triệu lượt, chiếm đến 58% tổng lượng khách quốc tế đến ĐBSCL.
Để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chính quyền 4 tỉnh đã cùng nhau tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long". Đây là lần đầu tiên, một cuộc hội thảo về du lịch có sự tham gia của 4 tỉnh. Không những vậy, hội thảo còn thu hút được đông đảo các doanh nghiệp và giới nghiên cứu khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học.
Đã có rất nhiều tham luận, ý kiến đóng góp quý báu tại cuộc hội thảo được đưa ra, với mục tiêu chung là phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL. Theo PGS. TS. Phan An, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, với lợi thế tài nguyên dồi dào, đặc biệt là tài nguyên nước chiếm hơn 22% tổng diện tích tự nhiên, 162 km bờ biển, hệ thống cồn, cù lao phong phú, cộng với sự đa dạng về văn hóa du lịch với những lễ hội và hệ thống di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer, tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL có đầy đủ những yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch.
Tại cuộc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) cũng đã cam kết, Tổng cục Du lịch sẽ tích cực hỗ trợ xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến của các địa phương trong tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL tới các thị trường trọng điểm nước và quốc tế.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tổng cục Du lịch hỗ trợ tối đa, nhưng để phát triển du lịch mạnh mẽ và có chiều sâu hơn nữa, 4 tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cần phải tăng cường hợp tác, quản lý hiệu quả hơn nữa các điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hạ tầng giao thông, xác định sản phẩm độc đáo... để thu hút khách du lịch. Đó là những vấn đề không hề đơn giản và cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Thế Anh
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch