Bắt tay với Booking.com và Mastercard, Grab lấn sang mảng du lịch và tài chính
Ứng dụng gọi xe Grab đạt được các thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn du lịch hàng đầu Booking Holdings và hãng thẻ Mastercard của Hoa Kỳ, tạo bước phát triển mới cho cả hai tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.
Gói tài chính đầu tiên 200 triệu USD do Booking.com đầu tư vào Grab được công bố vào tuần trước để tích hợp sản phẩm dịch vụ của cả hai. Người sử dụng ứng dụng Grab trong thời gian sắp tới có thể sử dụng ứng dụng của Grab để đặt và trả tiền qua ví điện tử khi đặt khách sạn và các sản phẩm liên quan trên Agoda và Booking.com. Ngược lại, người có ứng dụng Booking.com có thể đặt xe từ Grab.
Booking Holdings có trong tay các trang đặt khách sạn và sản phẩm du lịch hàng đầu thế giới như Booking.com, Agoda, Kayak và Priceline.com. Tháng 7/2018, tập đoàn này cũng đầu tư 500 triệu USD cho ứng dụng gọi xe Didi Chuxing hàng đầu của Trung Quốc.
Sự tích hợp dịch vụ đặt phòng tạo thêm tiện ích cho hơn 110 triệu khách hàng của Grab tại Đông Nam Á. Chủ tịch Grab Ming Ma nói thị trường du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp ba lần trước năm 2025 và có sự liên kết chặt chẽ giữa du lịch và hình thức vận tải mới. “Khoản đầu tư của Booking sẽ giúp chúng tôi nắm bắt cơ hội mới và thêm tự tin để tiếp tục triển khai và mở rộng thêm các mảng dịch vụ O2O (Online to Offline) khắp 235 thành phố ở Đông Nam Á mà Grab đang có mặt” - ông Ma nói
Hãng tin Reuters nói Grab đã huy động được hơn 2 tỷ USD trong các đợt gọi vốn đến cuối tuần này. Mục tiêu của hãng là chạm mốc 3 tỷ USD vào cuối năm nay để phát triển sản phẩm mới.
Booking.com thêm dịch vụ mới tại Việt Nam
Booking.com bước vào thị trường Việt Nam năm 2014. Hiện trang Booking.com có hơn 15.000 khách sạn hay bất động sản của Việt Nam trên tổng số hai triệu khách sạn bán phòng trên trang mạng. “Sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam tạo thị trường mới và cơ hội mới. Tại các nước tiên tiến, ngoài đặt phòng, vé máy bay, thuê xe hay taxi ở sân bay, khách có thể đặt vé tham quan bảo tàng, nhà hát… Sự tích hợp các sản phẩm dịch vụ của Booking.com vào ứng dụng Grab sẽ tiết kiệm thời gian và mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng” - Tim Duong, đại diện của Booking.com tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng.
Anh Tim Duong cũng nói rằng lượng khách rất lớn của các trang đặt phòng/du lịch của Tập đoàn Booking Holdings sẽ mang lại lượng khách tiềm năng đáng kể cho Grab và ngược lại. “Điều quan trọng là khách hàng có được tiện ích của hai ứng dụng và sự phục vụ tốt nhất của hai công ty. Tôi chưa thể nói được các sản phẩm dịch vụ mới Booking.com sẽ triển khai trong thời gian tới nhưng chắc chắn người tiêu dùng Việt Nam sẽ sớm được hưởng các tiện ích thuê xe, mua vé xem nhạc hay giải trí mà Booking.com và đối tác Grab sớm triển khai”.
Hiện mảng vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể thao, hội thảo hay talkshow lớn tại Việt Nam được bán qua công ty Ticketbox có trụ sở tại TP.HCM. Với các chương trình nghệ thuật lớn ở Bangkok hay Singapore, người Việt phải nhờ người thân hay phải đích thân bay qua các điểm này trước nhiều tuần hay nhiều tháng để đặt vé.
Thị trường Việt Nam: Có thể vay tiền từ Grab, nạp tiền vào tài khoản qua tài xế Grab?
Grab Vietnam đang khắc phục lỗi của ví điện tử Moca trên ứng dụng của Grab - GrabPay by Moca - vốn được hãng này thông báo “triển khai từ ngày 1/10/2018”. Song, khách hàng của Grab gặp nhiều trục trặc như tiền trong tài khoản nạp sẵn trước đây GrabPay Credits “bị đóng băng” hay “phong tỏa”, hoặc không thể tải, kích hoạt hoặc nạp được tiền vào ví Moca.
Tuy nhiên, khi khách hàng cần trợ giúp, các nhân viên tổng đài của Grab khuyến cáo khách gửi hình chụp khi ví Moca không hoạt động cho họ hoặc yêu cầu khách gọi ngân hàng liên quan.
Hiện Grab liên kết với 8 ngân hàng: ACB, BIDV, Sacombank, SCB, thẻ Timo, Vietcombank, VietinBank và VPBank. Hãng này nói sẽ mở rộng các ngân hàng liên kết.
Tuần rồi Grab đã gửi thư xin lỗi khi khách hàng phản đối mạnh và giận dữ vì các bất tiện này. Trong cuộc gặp với báo chí cuối tuần rồi, CEO Grab Vietnam Nguyễn Tuấn Anh nói hãng sẽ giải quyết hoàn toàn các bất tiện trên từ giữa tháng 11/2018 này.
Sau khi ví Moca hoạt động trơn tru, khách hàng của Grab tại Việt Nam sẽ được hưởng nhiều tiện ích hay dịch vụ mới… Dự kiến, Grabpay by Moca có thể thực hiện hoạt động thu hộ - chi hộ vào cuối tháng 11/2018 (thanh toán bằng tài khoản thẻ); chi trả các dịch vụ khác như tiền điện thoại, hóa đơn điện nước vào tháng 12/2018. Nếu được chấp thuận, Grab Vietnam sẽ cung cấp các khoản vay nhỏ cho khách hàng trong năm 2019 sắp tới.
Ở cấp độ khu vực và quốc tế, Grab không dừng lại ở đó. Hôm 24/10, Grab ký thỏa thuận với hãng thẻ Mastercard để phát hành thẻ trả trước (prepaid card) với hai hình thức: Thẻ cứng hay thẻ ảo. Khách hàng có thể nạp tiền vào thẻ qua đại lý, tài xế hay các điểm dịch vụ chấp nhận thẻ Mastercard và sau đó có thể sử dụng mua hàng trên mạng hay ở 3 triệu điểm chấp nhận thẻ Mastercard toàn cầu.
Trong một thông cáo chung, Grab và Mastercard nói sẽ triển khai dịch vụ thẻ mới này vào nửa đầu năm 2019, đầu tiên là Singapore và Philippines.
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính nói với Báo Người Tiêu Dùng rằng: “Grab có đội ngũ tài xế 175.000 người ở các tỉnh thành lớn tại Việt Nam. Và hãy tưởng tượng sự linh động của mạng lưới ngân hàng này khi khách hàng có thể nạp tiền bất cứ trong ngày khi đi Grab. Tuy vậy, họ sẽ chật vật khi bước vào thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam bởi sẽ gặp cản trở bởi luật lệ chưa có sẵn và cả sự bảo thủ, e ngại cạnh tranh”.
Ricky Hồ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường