2019: Bùng nổ du lịch nước ngoài
Ngành du lịch 2019 được dự báo sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn với những đổi thay cả về số lượng lẫn chất lượng.
Người Việt chuộng du lịch nước ngoài
Theo thống kê mới nhất của tập đoàn đa quốc gia Mastercard (Mỹ), đến năm 2021, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân đi du lịch nước ngoài cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á: 7,5 triệu lượt, chiếm khoảng 9,5% dân số. Tỷ lệ này chỉ xếp sau Myanmar (10,6%). Cũng theo Mastercard, trong 5 năm qua, riêng số lượng người Việt đi du lịch tới Nhật Bản đã đạt tới con số 250.000 lượt. Xứ sở mặt trời mọc chính là quốc gia được người Việt ưa chuộng nhất để đi du lịch, sau đó lần lượt là Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, châu Âu và Thái Lan.
Có rất nhiều lý do người Việt chuyển hướng sang du lịch nước ngoài thay vì trong nước. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở đã được đáp ứng, người tiêu dùng muốn có những nhu cầu ở cấp độ cao hơn, trong đó có du lịch. Khi những địa điểm ở trong nước đã trở nên quá quen thuộc, người Việt hướng đến những địa điểm nước ngoài để ngắm cảnh đẹp, khám phá ẩm thực, nghỉ dưỡng, mua sắm...
Một lý do khác khiến du khách Việt thích du lịch nước ngoài là vấn đề giá cả. Trong xu thế toàn cầu hóa của thế giới, những tour du lịch nước ngoài giờ đây không còn đắt đỏ như trước. Rất nhiều các công ty du lịch Việt đã tiến hành các chiến dịch giảm giá để thu hút khách hàng. Ví dụ như Hoàng Việt Travel, một doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch ở Hà Nội, mới đây đã giảm giá tới 5 triệu đồng cho các tour du lịch sang Nga, Nam Phi, Đông Âu cho 2 người. Công ty Lữ hành Saigontourist cũng có mức giảm giá lớn lên đến 3 triệu đồng cho các tour du lịch mùa thu "hot" nhất tại thời điểm trước thềm Giáng sinh và năm mới là Hàn Quốc và Nhật Bản để hút khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, một du khách ở Tây Ninh, chia sẻ: “Chỉ với hơn 20 triệu đồng, tôi đã có thể đi du lịch đến các địa điểm Nhật Bản, Hàn Quốc. Đó là mức giá hợp lý đối với mức sống hiện nay của người dân. Trong thời gian qua, việc làm visa đến Nhật Bản, Hàn Quốc bị siết chặt hơn do liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động và tôi đang có ý định chuyển hướng du lịch sang các địa điểm ở châu Âu bởi mức giá cũng không quá đắt”.
Thực tế cho thấy đến năm 2020, số gia đình trung lưu và thượng lưu của Việt Nam lên đến 33 triệu người, tức là khoảng 1/3 dân số (theo thống kê của Công ty nghiên cứu Boston, Mỹ), thì chuyện bỏ ra vài chục triệu để đi du lịch nước ngoài là hoàn toàn khả thi đối với người tiêu dùng Việt. Việc chứng minh tài chính để đi du lịch nước ngoài có thể khắt khe hơn đối với họ, nhưng không thể cản trở được xu thế này của du khách Việt.
Cá nhân hóa trong du lịch
Xu hướng cá nhân hóa ngày càng cao đối với khách du lịch Việt. Với sự phát triển của công nghệ, khách du lịch tự đặt phòng, tự tìm các dịch vụ phù hợp với sở thích của mình qua các ứng dụng công nghệ thay vì phụ thuộc vào các công ty lữ hành, hướng dẫn viên...
Theo nghiên cứu của thạc sỹ Dương Đức Minh, giảng viên bộ môn du lịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khách du lịch Việt đang có xu hướng tìm đến những tour du lịch trải nghiệm. Họ thích được thực hành, tìm hiểu những yếu tố văn hóa, tinh thần khi đi du lịch. Thạc sỹ Dương Đức Minh chia sẻ: “Có những tour du lịch ở Bến Tre, mức giá lên đến 20 triệu đồng/tour nhưng khách du lịch Việt vẫn chịu chi để được trực tiếp trải nghiệm quá trình may đồ bà ba, ngắm đom đóm đêm, làm đèn lồng...”.
Ngoài những tour du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh cũng là xu hướng mà du khách Việt hướng tới. Ở đó, khách hàng không chỉ đi du lịch đơn thuần mà còn được tìm hiểu, trải nghiệm về những vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, các giá trị văn hóa phi vật thể... Một trong những địa điểm mà khách du lịch Việt đến tham quan nhiều trong thời gian qua cũng như dự báo trong năm 2019 là Côn Đảo với di tích Nghĩa trang Hàng Dương nơi an nghỉ của các chiến sĩ, mộ cô Sáu hay Đền bà Phi Yến, vợ của vua Nguyễn Ánh.
Tóm lại, trong xu thế phát triển chung của kinh tế, xã hội, du lịch Việt cũng có những chuyển biến phù hợp. Ở đó, du khách Việt có những sự lựa chọn khắt khe hơn nhưng cũng thú vị hơn trong những chuyến đi của riêng mình, cho dù ở trong nước hay nước ngoài.
Thế Anh
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch