Đầu tư bất động sản du lịch: Không đơn giản
Sự phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian tới sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành kinh tế khác trong đó có việc đầu tư bất động sản du lịch. Mặc dù vậy, những câu chuyện xung quanh đầu tư bất động sản du lịch không hề đơn giản.
Theo Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch Việt Nam, dự kiến sẽ có 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế tới Việt Nam vào năm 2020 và đến năm 2025, con số này sẽ là 25 triệu. Hiện tại, chúng ta đã lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ này. Khách du lịch đến Việt Nam đông kéo theo nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mảng đầu tư bất động sản du lịch.
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, VNREA, năm ngoái, số lượng khách sạn căn hộ, Condotel tăng đột biến, lên đến 23.000 căn hộ khách sạn. Ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, nhận định trong 2 năm, từ 2017 đến 2019, số căn hộ condotel cung cấp ra thị trường sẽ rơi vào khoảng từ 27.000 đến 29.000 căn hộ. Ông Thân Thành Vũ cho rằng, với tốc độ tăng trưởng 45-50%, nếu năm nay có 1.000 condotel thì năm 2019, con số đó sẽ lên tới 1.500. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng du lịch. Điều đáng nói, nguồn cung loại hình condotel khá dồi dào nhưng lượng tiêu thụ lại không thực sự khởi sắc.
Trong khi đó, các dự án hạng sang, cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng cũng gặp những thách thức không nhỏ. Khách nước ngoài, nhà đầu tư châu Á đều rất quan tâm đến các vùng kinh tế, khu du lịch trọng điểm. Điều này dẫn đến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các chủ đầu tư, buộc nhiều chủ đầu tư phải chú trọng quá trình tạo ra điểm nổi bật, lợi thế cạnh tranh cho dự án, để thu hút người mua, kích cầu lượng tiêu thụ. Ngược lại, với những trường hợp dự án chậm tiến độ, tính pháp lý không đầy đủ, nhà đầu tư thứ cấp sẽ bị thiệt hại.
Thực trạng bất động sản du lịch hiện nay cho thấy, quá trình thanh lọc thị trường đóng vai trò rất quan trọng, theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Những dự án có chủ đầu tư uy tín, đơn vị vận hành chuyên nghiệp cần được ưu tiên phát triển, những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cần rà soát lại.
Bất động sản du lịch Việt Nam trong thời gian qua vẫn bị đánh giá là manh mún, nhỏ lẻ chứ chưa thực sự đồng bộ, quy mô. Đã đến lúc các nhà đầu tư, nhà quản lý phải hướng đến mục tiêu xây dựng, vận hành những khu nghỉ dưỡng phức hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế có đầy đủ tiện ích và cung cấp những dịch vụ cao cấp cho du khách như: bến du thuyền quốc tế, khu phức hợp khách sạn có sân đáp trực thăng, casino và nhiều tiện ích tiêu chuẩn cao cấp khác. Sự đầu tư đồng bộ sẽ thu hút nguồn khách du lịch quốc tế chất lượng, giá trị đầu tư bất động sản nhờ vậy sẽ tăng theo.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, lại cho rằng, để kiểm soát chặt chẽ vấn đề đầu tư bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, các cơ quan hữu quan phải có quy hoạch tổng thể và quá trình tuân thủ quy hoạch phải được giám sát chặt chẽ. Rất nhiều dự án bất động sản du lịch hiện nay có dấu hiệu trục lợi bờ biển, các địa điểm thiên nhiên mà ít có giá trị đóng góp, thậm chí lừa đảo gây ra rất nhiều vấn đề nhức nhối.
Rõ ràng, đầu tư bất động sản du lịch là vấn đề thiết yếu nhưng để phát triển lĩnh vực mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho đất nước này không phải là câu chuyện đơn giản.
Thế Anh
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội