Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

TP HCM: Ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi từ ô tô, xe máy

Thứ năm, 24/07/2025 15:10 (GMT+7)

Chính quyền TP HCM xác định phương tiện giao thông là nguồn chính gây ô nhiễm không khí, với bụi mịn thường xuyên vượt quy chuẩn tại các điểm nóng.

Ngày 23/7, UBND TP HCM đã gửi báo cáo tới Đoàn giám sát của Quốc hội, nêu rõ tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố chủ yếu liên quan đến bụi, trong đó giao thông đường bộ là nguồn phát thải chính.

Thống kê từ hệ thống quan trắc và các nghiên cứu chuyên ngành cho thấy nồng độ bụi tổng (TSP), bụi mịn PM10 và PM2.5 tại nhiều khu vực có lưu lượng xe lớn thường xuyên vượt mức cho phép theo quy chuẩn Việt Nam.

Trong số các điểm nóng ô nhiễm, nút giao Mỹ Thủy (khu vực Cát Lái, TP Thủ Đức) được ghi nhận là nơi có chất lượng không khí xấu nhất. Kết quả quan trắc giai đoạn 2021-2024 cũng ghi nhận các điểm vượt chuẩn tại Phú Lâm (2024), giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (2022), và khu vực Cát Lái (2022-2023).

Sự ô nhiễm còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố khí tượng, đặc biệt rõ nét vào mùa khô khi không khí hanh khô, ít mưa làm bụi không được rửa trôi. Cùng lúc, lưu lượng xe vẫn duy trì cao, khiến nồng độ bụi tăng mạnh.

Khói bụi ô tô, xe máy là nguồn gây ô nhiễm tại TP HCM. Ảnh: VGP

Thống kê đến tháng 6/2025 cho thấy TP HCM hiện quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, gồm hơn một triệu ôtô và 8,6 triệu xe máy, chưa kể lượng xe ngoại tỉnh lưu thông thường xuyên. So với cùng kỳ năm trước, số lượng ôtô tăng 9%, xe máy tăng 2%, làm gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị.

Mặc dù đã có hệ thống quan trắc với 36 vị trí lấy mẫu liên tục 24/24 giờ, nhưng việc triển khai các chương trình kiểm soát ô nhiễm tại TP HCM vẫn gặp không ít rào cản. Các khó khăn bao gồm thiếu nhân sự chuyên trách, thiếu trang thiết bị, và vướng mắc trong quy trình đầu tư công. Nhiều dự án nâng cao năng lực giám sát môi trường bị chậm tiến độ do thủ tục pháp lý thay đổi và tính chất kỹ thuật phức tạp.

Để cải thiện chất lượng không khí, TP HCM đang xây dựng đề án kiểm soát khí thải, đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển toàn bộ xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch.

Giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ mở rộng chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp, taxi, xe công nghệ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Đặc biệt, có kế hoạch thay thế hơn 400.000 xe máy chạy xăng của tài xế công nghệ bằng xe điện.

Báo cáo cũng cho biết tình trạng ô nhiễm không khí tại TP HCM có xu hướng tương đồng với Hà Nội – nơi chính quyền đang hướng đến lộ trình cấm mô tô, xe máy xăng dầu hoạt động trong vành đai 1 từ 1/7/2026, sau đó mở rộng sang các vành đai tiếp theo nhằm giảm ô nhiễm đô thị.