Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

TP HCM, Hà Nội mạnh tay dẹp hàng giả: Phá từ gốc, không có vùng cấm

Thứ tư, 23/07/2025 08:00 (GMT+7)

Chỉ trong vài tuần gần đây, hàng loạt đường dây buôn bán, sản xuất hàng giả đã bị bóc gỡ tại TP HCM và Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lực lượng chức năng đang cho thấy thái độ không khoan nhượng trước vấn nạn hàng giả, hàng cấm. Thông điệp được phát đi rõ ràng: Xử lý tận gốc, triệt để, không ngoại lệ và tuyệt đối không có vùng cấm.

TP HCM liên tiếp triệt phá các đường dây "hàng giả công nghệ cao"

TP HCM - nơi được coi là "điểm nóng" của thị trường hàng hóa, thời gian gần đây đang trở thành chiến trường chống hàng giả. Chỉ trong hai tháng cao điểm sau Công điện số 65 của Thủ tướng, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP HCM đã đồng loạt phá vỡ nhiều đường dây quy mô lớn.

Bóng cười trong quán bar The Black Lounge do Nguyễn Trường Hoạt làm chủ.

Điển hình là vụ “bóng cười” ngụy trang dưới lớp vỏ cocktail. Nguyễn Trường Hoạt - 25 tuổi, chủ quán bar The Black Lounge, bị bắt giữ sau khi điều hành một hệ thống cung cấp khí N₂O (chất cấm sử dụng vì gây nghiện và tổn hại thần kinh) cho các tụ điểm giải trí. Hàng trăm bình khí được bán ra mỗi tháng dưới danh nghĩa “đồ pha chế”, giao dịch lén lút qua mạng xã hội và các hóa đơn mập mờ. Từ đầu năm đến giữa tháng 7, đường dây này đã thu lợi bất chính lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Một trường hợp khác là Nguyễn Văn Dương (26 tuổi) bị bắt tại quận Bình Tân khi đang điều hành kho mỹ phẩm giả lên đến hơn 30.000 sản phẩm. Các mặt hàng mang nhãn hiệu nổi tiếng như Johnson’s Baby, Clear, Nivea, Romano… được Dương phân phối qua Facebook, Zalo, Telegram, rồi vận chuyển qua app giao hàng và chành xe, đánh lừa cả người mua lẫn cơ quan kiểm tra. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 2 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công an TP HCM còn liên tiếp phá nhiều kho chứa dầu nhớt giả các thương hiệu Honda, Yamaha, Castrol cùng hàng chục nghìn chai dầu gió giả mạo Eagle Brand. Phương thức sản xuất của các đối tượng ngày càng tinh vi, từ làm nhái tem nhãn, sao chép mã vạch, đến thuê nhà trong hẻm sâu, sử dụng danh tính giả, thanh toán ẩn danh và giao hàng qua các sàn TMĐT.

Theo Trung tá Phạm Thành Công - Đội phó Đội 6 (PC03), tội phạm hàng giả không còn thủ công như trước. Chúng sử dụng công nghệ cao, thuê IT, chạy quảng cáo và livestream để đánh vào lòng tin người tiêu dùng. Đó cũng là lý do TP HCM đang triển khai loạt chuyên án “từ gốc”, không chỉ bắt người bán mà còn lần theo dòng tiền, đầu mối cung cấp và cả những "ông chủ giấu mặt".

Hà Nội: Hơn 2.000 vụ bị xử lý chỉ sau 6 tháng

Không kém phần nóng bỏng, Thủ đô Hà Nội cũng đang trong cao điểm truy quét hàng giả. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, chỉ trong nửa đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã thực hiện 2.176 cuộc kiểm tra, trong đó 2.066 là kiểm tra đột xuất, minh chứng cho một cuộc chiến chủ động, quyết liệt và không khoan nhượng.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hoá tại Hà Nội. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội

Kết quả là hơn 2.000 vụ vi phạm bị xử lý, với tổng số tiền nộp ngân sách lên tới 88,2 tỉ đồng. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 6, sau khi công điện của Thủ tướng có hiệu lực, 516 vụ được phát hiện, 541 vụ bị xử lý, cho thấy hiệu quả trực tiếp từ chỉ đạo trung ương.

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử, thời trang và hàng tiêu dùng nhanh là những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Lực lượng QLTT Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực thương mại điện tử, nơi các mặt hàng nhái, hàng nhập lậu “ẩn mình” dưới các gian hàng trực tuyến, livestream bán hàng, chạy quảng cáo Google Ads. Trong 6 tháng, 72 vụ vi phạm TMĐT đã được phát hiện, trong đó có 33 vụ chỉ trong tháng 6.

Theo ông Dương Mạnh Hùng - Phó Chi cục trưởng QLTT Hà Nội, Hà Nội xác định rõ quan điểm là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên để xử lý triệt để hàng giả, ngoài lực lượng chuyên trách còn cần sự cảnh giác của người tiêu dùng và sự hợp tác từ chính các sàn thương mại điện tử.

Bộ Công Thương phát động chiến dịch cao điểm toàn quốc
Không chỉ dừng ở hai thành phố lớn, chiến dịch chống hàng giả hiện đã lan rộng trên toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 11.500 vụ, xử lý gần 10.000 vụ vi phạm, tổng tiền thu nộp ngân sách hơn 141 tỉ đồng.
Lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục là "mặt trận khó" với 161 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa hơn 1 tỉ đồng. Các mặt hàng bị làm giả rất đa dạng, từ đồng hồ, túi xách, mỹ phẩm đến cả thuốc, sữa bột trẻ em.
Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện đợt cao điểm xử lý hàng giả trên phạm vi cả nước. Bộ trưởng cũng yêu cầu sửa đổi quy định, đặc biệt Nghị định 15 về An toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng thông tư về truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý bán hàng qua mạng, livestream, TikTok Shop…