Thị trường mì ăn liền bão hòa: Doanh nghiệp chật vật giữ chỗ đứng
Việt Nam vẫn đứng trong top 5 quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, do thị trường bão hòa, doanh nghiệp chật vật để giữ vững chỗ đứng.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong top 5 các quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Đứng trong top 5 cùng Việt Nam là những nước đông dân như Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Hai năm gần đây, thị trường mì ăn liền Việt Nam chứng kiến đà sụt giảm nhẹ. Sang năm 2017, tình hình được cải thiện nhưng con số tăng trưởng cho thấy thị trường thực sự rơi vào tình trạng bão hòa. Trong năm 2017, người Việt đã tiêu thụ 5,06 tỷ gói mì, chỉ tăng gần 3% so với năm 2016.
WINA đánh giá tại Việt Nam, sản lượng tiêu thụ mì tăng là nhờ thị trường có nhiều lựa chọn. Có được điều này là do có sự tham gia mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện nay thị trường mì ăn liền Việt Nam có sự góp mặt của hơn 50 doanh nghiệp. Thế nhưng, thị phần chỉ tập trung chủ yếu vào 3 “ông lớn” Vina Acecook, Asia Foods và Masan.
Rót tiền tấn giữ chỗ đứng
Hiếm có thị trường nào mà tốc độ tăng trưởng lại chậm chạp như mì ăn liền. Trong nhiều năm gần đây, sản lượng mì tiêu thụ chỉ loanh quanh 5 tỷ gói. Có vẻ như thị trường đã bão hòa, không còn dư địa tăng trưởng. Vì vậy, các doanh nghiệp cả top đầu lẫn top cuối đều chật vật giữ chỗ đứng của mình. Đặc biệt, những “anh cả” Vina Acecook, Asia Foods và Masan phải “rải tiền quảng cáo” để giữ thị phần.
Mới đây, đại diện Công ty cổ phần Vina Acecook cho biết, doanh thu nửa năm của công ty tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Theo ông, hoạt động kinh doanh của công ty phát triển tốt nhờ thị trường khởi sắc. 8% là con số khiêm tốn với ngành khác nhưng lại rất lạc quan với mì ăn liền.
Sở dĩ Vina Acecook đạt được thành tựu này là do công ty sở hữu thương hiệu mì ăn liền bán chạy nhất Việt Nam. Đó là Hảo Hảo. Ra mắt suốt thập kỷ qua, với lợi thế giá rẻ, hương vị phổ biến nên Hảo Hảo có lượng tiêu thụ hơn 2 tỷ gói mỗi năm. Cùng với việc sở hữu nhiều nhãn hiệu khác, Vina Acecook chiếm hơn 50% thị phần ngành mì ăn liền cả nước.
Để có được điều này, Vina Acecook đã phải đổ tiền tấn cho quảng cáo. Các TVC Hảo Hảo liên tục được phát sóng trên các kênh “hot” của VTV cho thấy Vina Acecook vẫn đặt niềm tin vào thương hiệu này như thế nào cũng như quyết tâm giữ vững thị phần của mình.
Trong khi đó, Masan Consumer cũng liên tục rót tiền để quảng bá các thương hiệu mì ăn liền từ bình dân đến cao cấp của mình như Kokomi, Sagami cho đến Omachi. Từ đó, thị phần của Masan Consumer dao động từ 21 đến 25% mỗi năm.
Đứng trong top 3 cùng Vina Acecook và Masan Consumer là Asia Foods. Thương hiệu Gấu đỏ, Trứng vàng giúp Asia Foods nắm giữ khoảng 10% thị phần. Tuy nhiên, gần đây, 2 nhãn hiệu này đang dần “nguội” hơn so với các đối thủ. Vì vậy, nhiều khả năng, thị phần của Asia Foods đang dần rơi vào tay Masan hoặc Acecook hoặc cả 2.
Điều này có vẻ đúng vì trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu nửa năm của Vina Acecook tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ thực phẩm tiện lợi (phần lớn là mì ăn liền) của Masan tăng mạnh từ 1.556 tỷ đồng lên 2.089 tỷ đồng.
Kẻ thoái lui, người an phận
Thị trường mì ăn liền cạnh tranh gay gắt. Hơn 75% thị phần đã thuộc về tay các ông lớn Vina Acecook, Asia Foods và Masan. 25% còn lại thuộc về các doanh nghiệp nhỏ. Trong đó, Miliket của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket là nhãn hiệu được chú ý nhất.
Thời bao cấp, Miliket là mì ăn liền phổ biến nhất Việt Nam. Ngày đó, chưa có thống kê thị phần nhưng 90% không phải con số quá cao so với sự phổ biến của nhãn hiệu này. Thế nhưng, khi mở cửa thị trường, Miliket dần vắng bóng.
Hiện tại, Miliket vẫn tồn tại trên thị trường với thị phần rất nhỏ bé. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, trong kỳ, tổng doanh thu của Miliket chỉ đạt 283 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với con số 256 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của Miliket chỉ bằng 13% doanh thu từ thực phẩm tiện lợi của Masan.
Trong khi đó, thị trường mì ăn liền đã chứng kiến sự thất bại của "ông lớn" ngành tiêu dùng Kido. Sau khi bán 80% mảng bánh kẹo cho đối tác, Kinh Đô đổi tên thành Kido và chuyển hướng sang mì ăn liền.
Kido thể hiện rõ tham vọng của mình khi đầu tư 30 triệu USD vào nhà máy gia công sản phẩm đặt tại VSIP Bắc Ninh, với công suất dự kiến lên tới 12 triệu thùng/năm. Sản phẩm đầu tay của Kido là thương hiệu mỳ mì ăn liền Đại Gia Đình.
Thời điểm Đại Gia Đình ra mắt, Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên của Kido tin rằng nhãn hiệu này sẽ nhanh chóng lọt vào top đầu thị trường, nhờ KIDO sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào, cùng hệ thống hệ thống logistics và phân phối rộng khắp với hơn 70.000 điểm bán hàng lạnh và 400.000 điểm bán hàng thực phẩm đóng gói.
Thế nhưng, điều đó không xảy ra. Chưa đầy một năm sau sau ngày ra mắt, mì Đại Gia Đình nhanh chóng biến mất các kệ hàng siêu thị. Từ năm 2017, Kido không hề nhắc tới mì ăn liền nữa. Kido đang tập trung sang mảng dầu ăn khi bỏ hàng trăm tỷ đồng thâu tóm hàng loạt thương hiệu dầu ăn ở Việt Nam.
Có thể thấy, thị trường mì ăn liền vẫn chứng kiến “cuộc đấu” giữa 3 gương mặt chính Vina Acecook, Asia Foods và Masan.
Vy Vy
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường