“Thành phố không khói” hấp dẫn khách du lịch
Trong bối cảnh bùng nổ du lịch đi liền với những vấn đề về ô nhiễm môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi việc xây dựng mô hình “thành phố không khói” như một giải pháp.
Mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến du lịch
Theo một khảo sát của Đại học Havard (Mỹ), khi được hỏi về ý định đặt chân đến một thành phố có mức độ ô nhiễm cao để du lịch, 74% người cho rằng đây là một ý tưởng tồi tệ, trong khi 13% người khác cho biết họ có khả năng sẽ không quay lại lần thứ hai. Đây thực tế là một bài toán mà nhiều thành phố có ngành mũi nhọn là du lịch phải giải quyết những năm trở lại đây, khi mà ngành công nghiệp này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vấn đề môi trường.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 80% dân số đô thị tại các thành phố đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Đối với những thành phố lớn, sự lo ngại về tác động xấu mang tính hai chiều của ô nhiễm môi trường và du lịch ngày càng tăng. Tại Hong Kong (Trung Quốc), hơn 1.000 du khách trong nước được phỏng vấn tại sân bay quốc tế cho biết, họ có xu hướng chọn các nước phương Tây để du lịch hơn chính vì giá trị môi trường. Trong khi đó, bản thân các hoạt động du lịch và dịch vụ tại các thành phố lớn cũng phần nào làm tổn hại đến cảnh quan thiên nhiên cũng như hệ sinh thái và bầu khí quyển.
Đứng trước tình hình đó, một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu có những đề án phát triển một mô hình đô thị mới với tên gọi “thành phố không khói”. Haywin Steven, tiến sĩ tại Đại học Oxford (Anh) cho biết: “Những ý tưởng như nỗ lực làm sạch không khí thay vì sửa chữa những vấn đề cốt lõi, dường như là chưa đủ để có một nền tảng vững chắc trong công cuộc bảo vệ và tái tạo lại môi trường ở những thành phố lớn”.
London (Anh) chính là thành phố đi đầu trong nỗ lực kiến tạo mô hình một đô thị không khói. Vào năm 2015, chính quyền thành phố đã cho xây dựng hai “Khu vực phát thải thấp” ở ngay trung tâm thành phố nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm. Tại đây, chỉ có các thiết bị xây dựng hiện đại và ít gây ô nhiễm mới được cấp phép sử dụng. Đây chính là một phần trong chiến dịch kiểm soát bụi và chất thải trong quá trình xây dựng. Thị trưởng thành phố London đã đưa ra các tiêu chuẩn mới nhằm giảm lượng khí thải ô nhiễm từ ngành xây dựng, tạo ra “Khu vực phát thải thấp” đầu tiên trên thế giới.
Bên cạnh đó, các nước châu Âu và một số quốc gia châu Á có mức độ ô nhiễm báo động cũng chú trọng việc giảm thiểu các loại phương tiện giao thông chạy bằng xăng dầu diesel. Với lưu lượng phương tiện lớn, mật độ dân số đông và lượng khách du lịch hằng năm tăng nhanh, giao thông tại những thành phố trọng điểm dần đồng nghĩa với ô nhiễm không khí. Chính vì vậy, nhiều quốc gia có ý định cấm bán xe ô tô, xăng dầu diesel trong hai thập kỷ tới.
Chuyển đường quốc lộ thành công viên
Một trong những phương án hiệu quả và sáng tạo được nhiều nước phát triển ưa chuộng áp dụng trong những năm gần đây chính là chuyển hẳn các tuyến đường thành công viên công cộng, để giảm thiểu lưu lượng phương tiện giao thông. May mắn, dân cư tại các thành phố này tỏ ra thích nghi khá nhanh khi một phần đường đang sử dụng bị chuyển thành công viên. Bắt đầu từ năm 1973 đến năm 2003, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã đưa ra một quyết định bất ngờ đó chính là phá bỏ toàn bộ một tuyến đường cao tốc 6km, thường xuyên tắc nghẽn với 4 làn xe chạy và lưu lượng 170.000 lượt xe mỗi ngày vào trung tâm thành phố thay vì xây dựng thêm làn đường mới. Quyết định này bước đầu vấp phải nhiều hoài nghi của người dân nơi đây, tuy nhiên lại là biện pháp vô cùng hiệu quả để giảm thiểu lượng phương tiện giao thông tại trung tâm thành phố.
Một phần mục đích của Seoul sau khi phá bỏ con đường này, chính là khôi phục lại con sông Cheonggyecheon từng bị chôn vùi trong quá trình xây dựng tuyến đường. Con đường cao tốc tắc nghẽn trước đây hiện là một công viên ven sông. Không chỉ Seoul, chính quyền thành phố New York (Mỹ) cũng đã có hành động tương tự trong nỗ lực kiến tạo một “thành phố không khói” khi khôi phục thành công nhiều con sông tại Seattle.
Để cải thiện triệt để tình trạng các dịch vụ du lịch gây tác động xấu đến môi trường, nhiều thành phố như Stockholm (Thuỵ Điển), Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ba Nha) đã sáng tạo ra những phong trào du lịch bằng xe đạp. Du khách đặt chân đến Barcelona không thể không nhìn thấy những chiếc xe đạp Bicing màu đỏ và trắng đặc biệt. Loại xe đạp này vô cùng phổ biến với khách du lịch cũng như người bản địa. Đây là một chiến dịch được chính quyền địa phương thực hiện vào năm 2007, khi thành phố này bắt đầu giảm giá thuê xe đạp và phát động các phong trào du lịch bằng xe đạp quanh thành phố. Chỉ sau hai năm, mỗi ngày có gần 40.000 chiếc xe đạp du lịch quanh thành phố, con số phương tiện ô nhiễm do du lịch được giảm thiểu là gần tương đương.
Di chuyển bằng xe đạp chiếm tới 25% cách di chuyển mà khách du lịch lựa chọn khi ghé thăm các thành phố lớn tại Anh. Audrey de Nazelle, thành viên nhóm nghiên cứu của các chiến dịch vận động “du lịch xanh” cho biết: “Bảo vệ môi trường xuất phát từ du lịch, là một hoạt động vô cùng tiềm năng và cũng là giải pháp tốt cho các vấn đề về biến đổi khí hậu, tạo ra những mô hình du lịch thân thiện với môi trường góp phần thu hút du khách tại các thành phố lớn”. \
THỤC LINH
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch