Tết cổ truyền Việt Nam tại Đức: Hành trình gìn giữ nét dân tộc của gia đình cô gái 9X
Thứ hai, 27/01/2025 19:10 (GMT+7)
Dù sống xa quê hương nhiều năm nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, gia đình chị Minh vẫn luôn cố gắng giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam nơi xứ người.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, dù ở nơi đâu người Việt Nam luôn hướng về quê hương với mong muốn tái hiện không khí Tết cổ truyền trong chính ngôi nhà của mình. Với những người con xa xứ, đặc biệt ở châu Âu, nơi Tết không phải một dịp lễ chính thức, việc giữ gìn truyền thống ấy càng trở nên ý nghĩa. Gia đình chị Minh, hiện đang sống tại Stuttgart, Đức, là một ví dụ điển hình về sự nỗ lực lưu giữ bản sắc dân tộc dù đã xa quê hương nhiều năm.
Gia đình chị đã sống ở Đức được bao lâu rồi? Và từ khi nào chị bắt đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam?
Mình sang Đức du học đến nay được 12 năm. Chồng mình đã sang đây từ hồi cấp 2, tầm 20 năm rồi. Hiện tại, gia đình sống tại Stuttgart cùng con trai 3 tuổi. Từ khi sang Đức, năm nào tụi mình cũng cố gắng đón Tết cổ truyền Việt Nam, dù điều kiện không được đầy đủ như ở quê nhà.
Gia đình chị Minh luôn cố gắng giữ gìn truyền thống dân tộc. (Ảnh: NVCC)
Hồi còn là sinh viên, mỗi dịp Tết đến lại trùng với kỳ thi cuối kỳ nên mình khá bận rộn. Tuy nhiên, chúng mình vẫn cố gắng tổ chức bữa tất niên nho nhỏ để vơi đi nỗi nhớ nhà. Khi đó không có trang trí gì cả, nhưng mình luôn nấu những món truyền thống như xôi, thịt đông, canh miến. Nếu năm nào Tết muộn, rơi vào tháng 2, chị Minh thường tranh thủ đặt vé về Việt Nam để ăn Tết cùng gia đình.
Sau khi lập gia đình, việc đón Tết có thay đổi như thế nào?
Khi có gia đình riêng, đặc biệt là từ khi có con, mình càng muốn giữ gìn Tết Việt cho các con và chính gia đình mình. Dù bận công việc và chăm sóc con nhỏ, hai vợ chồng luôn cố gắng tái hiện không khí Tết bằng cách trang trí nhà cửa, gói bánh chưng, mặc áo dài, tổ chức lì xì. Mình muốn con trai dù sinh ra và lớn lên ở Đức, vẫn biết về cội nguồn và hiểu được phong tục tập quán của người Việt.
Con trai chị Minh luôn được mẹ giáo dục về cội nguồn. (Ảnh: NVCC)
Năm nay, mình còn cho con trai tập văn nghệ để biểu diễn trong chương trình đón Tết của cộng đồng người Việt tại Stuttgart. Điều đó không chỉ giúp con gắn bó với cộng đồng mà còn cải thiện khả năng nói tiếng Việt.
Dù thiếu thốn nhiều thứ trang trí Tết nhưng chị Minh vẫn khéo léo để gia đình tận hưởng không khí Tết đầy đủ nhất. (Ảnh: NVCC)
Việc chuẩn bị Tết ở Đức có khó khăn gì không?
Việc chuẩn bị Tết ở Đức chắc chắn không giống như ở Việt Nam. Đồ trang trí không có sẵn, nên mình phải tự tay làm gần hết. Mình tham khảo các mẫu trên mạng, rồi mua giấy màu, bìa carton để tự cắt dán. Ví dụ như bánh tét trang trí, mình làm từ hộp cầu lông của chồng, còn câu đối thì mua trên Amazon về tô lại màu cho phù hợp. Chuối trong mâm ngũ quả ở đây thường nhỏ, mình phải buộc hai nhánh lại để tạo thành nải lớn.
Khu vực chợ châu Á cung cấp nhiều nguyên, phụ liệu trang trí ngày Tết. (Ảnh: NVCC)
May mắn là Stuttgart có chợ châu Á, nên nguyên liệu nấu ăn khá phong phú. Giò chả, bánh chưng, bánh tét đều có bán sẵn, nhưng chúng mình vẫn chọn tự gói bánh. Lá dong đông lạnh, gạo nếp, đậu xanh được chuẩn bị từ sớm và vì không thể nấu bằng lửa củi, gia đình mình đành dùng nồi áp suất. Các món như nem, thịt đông, xôi, canh miến, mình cũng tự nấu để đảm bảo hương vị giống như ở nhà.
Chị Minh có thể tìm mua nhiều loại bánh trái mang đậm hương vị quê hương tại những khu chợ châu Á. (Ảnh: NVCC)
Không khí Tết ở Đức có gì khác biệt so với Việt Nam không?
Ở Đức, những ngày Tết Nguyên đán theo lịch âm chỉ là ngày làm việc bình thường, không có không khí rộn ràng. Tuy nhiên, mỗi khi bước vào chợ châu Á, mình cảm thấy như được trở về nhà. Chợ được trang trí với hoa đào, bánh mứt, nhang trầm, mang lại cảm giác ấm cúng và thân thuộc.
Mâm cỗ ngày Tết được chị Minh chuẩn bị chu đáo. (Ảnh: NVCC)
Tại nhà, gia đình mình trang trí một góc nhỏ để đón xuân, bật nhạc Tết suốt mấy ngày. Cả nhà cùng nhau nhảy múa, chụp hình, đôi khi bố mẹ em ở Việt Nam gọi sang còn trêu: "Đón Tết bên này còn đẹp hơn ở nhà".
Chị có giữ những phong tục truyền thống nào vào dịp Tết không?
Chắc chắn là có! Đêm giao thừa, gia đình mình thắp hương cúng bái theo giờ Việt Nam, sau đó gọi điện chúc Tết ông bà, họ hàng hai bên. Cả nhà ngồi quây quần xem Táo Quân, ăn hạt dưa, hạt bí như ngày xưa.
Cái Tết mang đậm hương vị quê hương nơi xứ người của gia đình chị Minh. (Ảnh: NVCC)
Điều mình tâm đắc nhất là việc con trai được tham gia vào mọi hoạt động Tết. Từ gói bánh chưng, dán câu đối, cho đến đi tập văn nghệ, con đều hào hứng. Mình muốn con cảm nhận được rằng Tết không chỉ là những câu chuyện trong sách vở, mà còn là trải nghiệm thực tế đầy ý nghĩa.
Chị cảm thấy thế nào khi giữ được truyền thống Tết dù sống xa quê hương?
Đối với mình, việc giữ gìn truyền thống Tết không chỉ là cách giảm bớt nỗi nhớ nhà, mà còn là cách khẳng định bản sắc Việt Nam giữa nơi đất khách. Mỗi năm, việc chuẩn bị Tết giúp mình ôn lại những điều đã học từ nhỏ, từ cách gói bánh, bày biện mâm cỗ, cho đến những giá trị tinh thần thiêng liêng.
Gia đình chị Minh đón Tết tại nước Đức xa xôi. (Ảnh: NVCC)
Quan trọng hơn, mình mong muốn truyền lại tình yêu quê hương, cội nguồn cho con trai. Dù sinh ra và lớn lên ở Đức, nhưng con sẽ luôn biết mình là người Việt Nam, sẽ cảm nhận được hồn Tết qua những điều nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa mà bố mẹ đã cố gắng tạo dựng.
Thay vì quây quần bên gia đình, nhiều kiều bào, du học sinh Việt Nam đã chọn cách tận hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bằng những chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa ở phương trời Tây.
Tối 24/1 (theo giờ Moskva), tại Tổ hợp đa chức năng “Hà Nội-Moskva” (Incentra) ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra chương trình Tết sum vầy-Mừng Xuân Ất Tỵ 2025.
Marine, cô gái 20 tuổi đến từ Pháp, đang có những trải nghiệm đáng nhớ tại Hà Nội trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam, khám phá sự khác biệt văn hóa và cảm nhận nhịp sống rộn ràng nơi đây.
Bữa sáng đơn giản của người Mỹ không còn là lựa chọn tiết kiệm khi giá cả leo thang chóng mặt. Giá trứng tăng gấp 4, kéo theo giá bữa sáng cơ bản tăng vọt, ăn ngoài đã chạm ngưỡng 20 đô.
Giữa bão thuế quan Mỹ - Trung, một nữ CEO ngành dệt may Trung Quốc lạc quan đối diện việc mất đơn hàng triệu đô, trích dẫn kinh điển của Jack Ma về thị trường nội địa 1.4 tỷ dân.
Sau khi phía Mỹ leo thang thuế quan lên 245%, giới phân tích Anh đã chỉ ra '3 lá bài tẩy' của Trung Quốc gồm thặng dư thương mại, nắm giữ nợ Mỹ và kiểm soát khoáng sản hiếm, đủ sức đối trọng với Washington.
Mỹ đã phát động các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với công ty trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek của Trung Quốc, cáo buộc ứng dụng này là mối đe dọa an ninh, nghi ngờ đánh cắp công nghệ Mỹ và rò rỉ dữ liệu người dùng.
Giữa căng thẳng thuế quan thương mại Mỹ - Trung, các ứng dụng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ tại thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, trong đó Taobao dẫn đầu xu hướng gây sốt.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đạt đến đỉnh điểm mới khi chính quyền Trump áp mức thuế quan 245% lên hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả mạnh mẽ, tuyên bố "không sợ chiến đấu" và yêu cầu Mỹ từ bỏ áp lực để đàm phán.