Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN: 'Liều thuốc trợ lực' cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo?

Thứ ba, 20/05/2025 07:22 (GMT+7)

Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp và giới luật sư cho thấy kỳ vọng lớn vào chính sách mới nếu được thiết kế rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn sản xuất - kinh doanh.

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang đề xuất sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với ba định hướng lớn: Tăng ưu đãi cho đổi mới sáng tạo, siết chặt gian lận thuế và tránh tình trạng ưu đãi tràn lan.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, nếu ưu đãi thuế cho đổi mới sáng tạo được mở rộng, rõ ràng và minh bạch, sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Ưu đãi thuế cần thiết nhưng phải cụ thể và khả thi

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định: Luật Thuế TNDN hiện hành (Luật số 14/2008/QH12, cùng các luật sửa đổi và văn bản hướng dẫn như Nghị định 218/2013/NĐ-CP, Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC...) đã có một số ưu đãi nhất định cho hoạt động R&D và công nghệ cao. Tuy nhiên, hệ thống chính sách này vẫn còn hạn chế, thiếu linh hoạt và chưa bắt kịp xu thế chuyển đổi công nghệ nhanh chóng của nền kinh tế số.

Dự thảo sửa đổi mới đây bổ sung nhiều điểm đáng chú ý, như: Cho phép khấu trừ thuế TNDN đối với chi phí R&D, chuyển đổi số, tài trợ nghiên cứu khoa học (kể cả tài trợ cho đơn vị liên kết). Mở rộng phạm vi ưu đãi theo hình thức "chi - khấu trừ thực tế", tạo động lực tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ.

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN mới đây bổ sung nhiều điểm đáng chú ý. Ảnh: VGP

Theo đánh giá của ông Tuấn, nếu quy định này được thể chế hóa rõ ràng, minh bạch, thì đây có thể là bệ phóng chiến lược giúp doanh nghiệp trong nước nâng cấp công nghệ, tăng sức cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành công nghệ, sản xuất chế biến - chế tạo, logistics và tài chính - ngân hàng đều nhìn nhận đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn để phát triển bền vững. Tuy nhiên, chi phí đầu tư R&D thường rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro cao.

Hiện tại, theo quy định tại Điều 18 Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp được: Trích khấu hao nhanh với tài sản cố định phục vụ R&D; Tính chi phí hợp lý đối với một số khoản chi cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; Hưởng thuế suất ưu đãi nếu thuộc ngành/nghề ưu đãi hoặc hoạt động tại địa bàn ưu đãi đầu tư.

Tuy vậy, nhiều khoản chi quan trọng trong thực tiễn, như chi phí thuê phần mềm, chuyên gia nước ngoài, hợp tác với startup, đào tạo nhân sự,... lại chưa được thừa nhận là chi phí hợp lệ hoặc rất dễ bị loại trừ khi quyết toán thuế. Điều này tạo ra rào cản khiến doanh nghiệp ngại đầu tư lớn vào các hoạt động sáng tạo.

Ưu đãi thiết thực sẽ kích hoạt đầu tư đổi mới

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, nếu luật sửa đổi thực sự quy định rõ ràng, ví dụ: Cho phép khấu trừ 150–200% chi phí R&D; Miễn/giảm thuế TNDN với phần thu nhập từ sáng chế, sản phẩm đổi mới; Hỗ trợ hoàn thuế nhanh hoặc áp dụng thuế suất thấp cho doanh nghiệp công nghệ, AI, công nghệ xanh... thì sẽ tháo gỡ được tâm lý e ngại, kích hoạt làn sóng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, AI, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đặc biệt với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây sẽ là “liều thuốc trợ lực” giúp họ vượt qua rào cản chi phí và rủi ro đầu tư.

Một trong những điểm quan trọng mà doanh nghiệp kiến nghị là cần định nghĩa cụ thể và lượng hóa rõ ràng khái niệm “đổi mới sáng tạo” trong luật. Hiện tại, các văn bản pháp luật như Luật Khoa học & Công nghệ, Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0 hay Luật Sở hữu trí tuệ có nhắc đến khái niệm này, nhưng không có tiêu chí thống nhất để áp dụng trong thực tiễn thuế.

Việc thiếu định nghĩa rõ ràng dẫn đến tình trạng mỗi cơ quan quản lý có thể hiểu khác nhau, gây ra rủi ro cho doanh nghiệp khi kê khai, quyết toán thuế. Thậm chí, cùng một khoản chi cho hoạt động sáng tạo, nhưng ở địa phương này được công nhận, còn ở địa phương khác lại bị loại trừ.

Theo luật sư Tuấn, một trong những điểm quan trọng mà doanh nghiệp kiến nghị là cần định nghĩa cụ thể và lượng hóa rõ ràng khái niệm “đổi mới sáng tạo” trong luật Thuế TNDN. Ảnh: VGP

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, cần có bộ tiêu chí cụ thể về: Loại hình hoạt động đổi mới sáng tạo; Các chi phí được công nhận; Tỷ lệ đầu tư trên tổng doanh thu hoặc tổng chi phí để xác định mức ưu đãi.

Việc lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia thuế và các tổ chức nghề nghiệp là yếu tố sống còn để đảm bảo dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN không chỉ đúng định hướng, mà còn khả thi, hiệu quả và được thực thi công bằng.

“Các doanh nghiệp hoan nghênh chủ trương sửa đổi luật nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính sách phải rõ ràng - minh bạch - dễ áp dụng - có tác động thực chất. Có như vậy, Luật sửa đổi mới trở thành động lực giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng bền vững và bắt nhịp với xu hướng toàn cầu”, luật sư Tuấn nêu quan điểm.

Xuân Đoàn
Nguồn: sohuutritue.net.vn