Núi lửa Indonesia có thể đổ sập gây thêm thảm họa sóng thần chết chóc
Các chuyên gia lo ngại thời tiết cực đoan có thể làm đổ sập sườn núi lửa Anak Krakatoa, gây ra đợt sóng thần chết chóc mới ập vào bờ biển khu vực Eo Sunda đang chìm trong tang tóc.
Khu vực Eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Sumatra và Java của Indonesia vừa hứng chịu trận sóng thần bất ngờ, không được dự báo trước, khiến con số thương vong lớn lên tới 429 người thiệt mạng và 1.485 người bị thương, chưa kể ít nhất 154 người còn mất tích.
Thảm họa xảy ra sau khi núi lửa Anak Krakatoa phun trào, gây sụt lở đất dưới lòng biển và kích hoạt sóng thần ở khu vực eo biển hẹp Sunda. Do không được dự báo, cũng như là vùng eo biển hẹp, nên dù sóng thần không quá lớn cũng đã gây ra thiệt hại thảm khốc với cư dân địa phương.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi các hoạt động địa chất của núi Anak Krakatoa, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện tại cùng tình trạng sóng lớn, bởi vì những điều kiện như vậy có thể khiến sườn núi sụp đổ xuống biển và kích hoạt sóng thần”, bà Dwikorita Karnawati, Giám đốc Cơ quan Khí tượng, Khí hậu học và Địa vật lý Indonesia trả lời trong cuộc họp báo vào đêm 25/12 theo giờ địa phương.
Bà Karnawati bày tỏ lo ngại mưa lớn dự kiến kéo dài đến ngày chiều 26/12 có thể gây sụt lở lớn, dẫn đến những hậu quả hủy diệt.
Núi lửa Anak Krakatoa (Krakatoa Con) được hình thành từ năm 1928, trên miệng ngọn núi lửa “mẹ” là Krakatoa, vốn từng phun trào khủng khiếp vào năm 1883, cướp đi hàng ngàn sinh mạng.
“Sườn của ngọn núi lửa này đang trở nên yếu hơn, đặc biệt là nếu mưa lớn vẫn đổ xuống”, bà Karnawati nói.
Trước nguy cơ lở đất dưới đáy biển và sóng thần, bà Karnawati kêu gọi cư dân luôn luôn cẩn trọng và tránh xa bờ biển ít nhất từ 500 mét đến 1 km.
Hôm 25/12, người phát ngôn Cơ quan Cứu trợ thảm họa quốc gia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, cuộc tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân thảm họa sóng thần đã được mở rộng tới cả những khu vực bị tách biệt sau thảm họa.
“Con số thương vong có thể tiếp tục tăng… do có nhiều khu vực chưa thể tiếp cận vì đường xá hư hỏng và cầu sập”, bà Sutopo nói và bổ sung rằng thảm họa sóng thần hôm 22/12 đã làm 16.082 người phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà. Dựa trên quan sát của các nhân chứng và phân tích của các chuyên gia, người phát ngôn Sutopo cho biết, sóng thần đêm 22/12 cao từ 2-5 mét, tấn công vào bờ biển Pandeglang và Serang tại tỉnh Banten, cực tây đảo Java. Ngoài ra, sóng thần cũng ập vào ba huyện thuộc tỉnh Lampung, cực nam đảo Sumatra.
“Đó là lý do tại sao hầu hết khách sạn và nhà cửa ở Pandeglang bị san bừng. Nếu sóng thần chỉ cao 1-3 mét, chúng sẽ không bị san phẳng như vậy”, ông Sutopo phát biểu trong cuộc họp báo, và cho biết thêm rằng có thể nhiều nạn nhân còn bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Hiện nay, điều kiện thời tiết xấu, mưa to và sóng lớn đang ảnh hưởng tới các nỗ lực tìm kiếm.
Theo ông Sutopo, các khách sạn dọc bờ biển từ Serang tới Pandegalang đều kín khách vào ngày sóng thần tấn công Eo Sunda bởi đây đúng vào dịp nghỉ lễ tại Indonesia.
Thu Hằng
-
Bão Yinxing giật cấp 17 đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 5-11: Oi bức cả ngày, đến đêm mới có mưa rào
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 1-11: Ngày nắng, đêm mưa kèm gió giật mạnh
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 31-10: Ngày nắng, chỉ số UV cao
-
Chính thức trình Thủ tướng lịch nghỉ Tết 2025
-
Điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước từ năm 2025