Cú thoát chết ngoạn mục của chàng trai bị nứt hộp sọ, gãy 8 đốt sống, hôn mê sâu
Shane Ang, 37 tuổi đã sống sót một cách thần kỳ khi gặp tai nạn trượt tuyết dẫn tới bị nứt hộp sọ, gãy 8 đốt sống và hôn mê sâu nhiều tuần.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Bị thôi thúc bởi công việc nhân đạo của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF), tiến sĩ, bác sĩ gây mê người Singapore Deborah Khoo đã tham gia một nhiệm vụ y tế kéo dài 3 tháng tại Afghanistan.
Một buổi chiều nọ, cách xa quê nhà Singapore hàng ngàn cây số, tiến sĩ y khoa Deborah Khoo điều trị cho một bé gái 12 tuổi bị thương do đạn bắn vào chân. Khi cô và nhóm y tế hỏi bé gái chuyện gì đã xảy ra, họ đã sốc khi nghe câu trả lời. Thông qua một người phiên dịch, họ biết rằng cô bé bị chính em trai mình bắn bằng một khẩu súng trường AK-47.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà nữ bác sĩ 35 tuổi này đã gặp phải trong chuyến công tác tại Afghanistan cùng tổ chức MSF.
Từ tháng 4-6/2024, tiến sĩ y khoa Deborah Khoo công tác tại Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH), làm việc tại Trung tâm Chấn thương Kunduz – một cơ sở y tế do MSF điều hành. Kunduz là một thành phố ở phía bắc Afghanistan, cách thủ đô Kabul khoảng 7 giờ đi đường. Trung tâm này tiếp nhận điều trị các bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông, bạo lực hoặc xung đột.
MSF là một tổ chức phi lợi nhuận, độc lập được thành lập tại Pháp năm 1971, chuyên cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai hoặc thiếu tiếp cận chăm sóc y tế. Tổ chức này hiện hoạt động tại hơn 70 quốc gia, bao gồm Ukraine, Pháp, Sudan, Syria, Mexico, Ấn Độ và Thái Lan.
Trong 3 tháng, bác sĩ Khoo sống và làm việc cùng các tình nguyện viên MSF tại trung tâm, điều trị cho những bệnh nhân như cô bé 12 tuổi kể trên và nhiều người khác bị chấn thương tại một khu vực thiếu thốn dịch vụ y tế an toàn.
Chia sẻ với CNA, tiến sĩ y khoa Deborah Khoo nói rằng cô luôn cảm thấy bị thu hút bởi công việc y tế nhân đạo nên việc cô đăng ký tình nguyện cùng MSF vào năm 2023 không khiến gia đình bất ngờ.
“Mẹ tôi và hai em đều làm trong ngành y. Họ không những không ngạc nhiên mà còn rất ủng hộ quyết định của tôi. Khi tôi xin nghỉ không lương ở bệnh viện để đi công tác, mọi người đều hỗ trợ nhiệt tình”, tiến sĩ Khoo kể.
Không có một khoảnh khắc “bừng tỉnh” rõ rệt nào khiến nữ tiến sĩ 35 tuổi theo đuổi công việc nhân đạo. Cô luôn khát khao phục vụ cộng đồng, đặc biệt là ở những nơi khó tiếp cận chăm sóc y tế.
Trong thời gian học tại Trường Y Yong Loo Lin (2009–2014), tiến sĩ Khoo từng tham gia một vài chuyến đi tình nguyện ngắn hạn, kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Một trong những trải nghiệm đầu tiên của cô là tham gia phẫu thuật tái tạo cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch và dị tật vùng mặt cùng với tổ chức Operation Smile. Cô hỗ trợ phẫu thuật tại Ấn Độ, giúp trẻ em hồi phục khả năng ăn uống và cải thiện ngoại hình.
“Đó là lần đầu tiên tôi trải nghiệm công tác nhân đạo y tế. Tôi cảm thấy có ý nghĩa khi giúp trẻ em lấy lại khả năng ăn, uống và cải thiện ngoại hình”, bác sĩ Khoo chia sẻ.
Nhiệm vụ cùng MSF là chuyến công tác từ thiện dài nhất của cô cho đến nay. Trong quá trình ứng tuyển, bác sĩ Khoo được MSF đào tạo kỹ càng về những nguy hiểm và rủi ro tiềm ẩn tại các khu vực cụ thể. Cô phải sẵn sàng cho các nhiệm vụ dài hạn, có thể kéo dài nhiều tháng, làm việc ở nơi tiếng Anh không phổ biến, hợp tác với những người từ nhiều nền văn hóa khác nhau và thậm chí đối mặt nguy cơ mất mạng. Những thực tế đó không khiến cô chùn bước.
Khi được chấp thuận, tiến sĩ Khoo được cử đến Trung tâm Chấn thương Kunduz ở Afghanistan. Nơi đây đặt ra vô số thách thức y khoa đồng thời giúp cô hiểu sâu hơn về ý nghĩa của việc chăm sóc bệnh nhân.
“Tôi sống trong khuôn viên được gia cố an toàn ngay tại trung tâm điều trị. Tôi có phòng riêng, giường, bàn làm việc và cả một sân nhỏ chơi bóng chuyền lúc rảnh”, cô kể.
Suốt 3 tháng, tiến sĩ Khoo chỉ rời khuôn viên 5 lần trong đó có 3 lần đi dạo ngắn, 1 lần đi leo núi và 1 lần bay về nước.
“Tôi làm việc cùng những chuyên gia y tế vô cùng thông minh và khiêm tốn”, tiến sĩ Khoo kể lại.
Có y tá Afghanistan là sinh viên y khoa phải di chuyển 2 tiếng mỗi ngày đến nơi làm việc. Nhiều người khác là đồng nghiệp trong và ngoài nước của tiến sĩ Khoo. Họ vừa làm việc vừa học trực tuyến để thi lấy bằng y, kỹ thuật và các ngành khác.
Trong môi trường thiếu thốn, tiến sĩ Khoo phải vượt qua rào cản ngôn ngữ trong những tình huống khẩn cấp, giải thích các thuật ngữ phức tạp như “kích hoạt máy thở” bằng ngôn ngữ đơn giản hoặc hình vẽ.
Kể lại kỷ niệm khi điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Chấn thương Kunduz, tiến sĩ Khoo nhớ về một người đàn ông bị tai nạn, mất máu nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. “Không có ngân hàng máu nào quanh đó, mà anh ấy lại có nhóm máu hiếm là O âm tính,” cô kể.
Không còn lựa chọn, đội ngũ y tế phải nhanh chóng hành động. Bác sĩ Khoo phối hợp với y tá và nhân viên y tế Afghanistan để tìm giải pháp ngay tại hiện trường. Cô đã kết nối với cố vấn y tế tại Brussels, Bỉ để được hỗ trợ kỹ thuật.
"Tại Singapore, mọi thứ luôn sẵn sàng, kho máu khẩn cấp và cả dự phòng cho khẩn cấp. Nhưng tại Kunduz, mọi thứ đều không chắc chắn. Để cứu mạng sống một người trong một môi trường không có gì được đảm bảo, bạn liên tục đưa ra những quyết định khó khăn. Nhưng tôi không làm điều đó một mình. Cuối cùng, người đàn ông trong vụ tai nạn giao thông đã được truyền máu và cứu sống", nữ tiến sĩ kể.
Kinh nghiệm thực tế tại vùng xung đột khiến bác sĩ Khoo thay đổi góc nhìn, trở nên thấu hiểu và cảm thông hơn với các hệ thống y tế ở những vùng khó khăn.
"Những trải nghiệm đó giúp tôi kiên nhẫn hơn, dễ cảm thông hơn và ít than phiền hơn, đặc biệt với một bác sĩ chuyên giảm đau như tôi. Đây là những bài học tôi sẽ luôn trân quý”, cô nói.
Bác sĩ Khoo cũng đặc biệt cảm phục sự kiên cường của các nhân viên y tế địa phương - những người gắn bó lâu dài với MSF.
“Họ sống trong thực tế xung đột triền miên nhưng vẫn kiên trì cống hiến mỗi ngày. Tôi thấy mình thật nhỏ bé khi chứng kiến điều đó”, nữ tiến sĩ 35 tuổi bày tỏ.
Cô cũng khẳng định công việc nhân đạo không hề hào nhoáng, thậm chí rất mệt mỏi, tiêu hao cảm xúc và không dễ dàng. Không phải lúc nào họ cũng cứu được người và không phải nhiệm vụ nào cũng thành công.
Với các tình nguyện viên quốc tế như tiến sĩ Khoo, họ luôn có tấm vé trở về. Nhưng với người địa phương, đây là nhà của họ, nơi họ phải ở lại dù có hay không có hy vọng.
“Tôi vẫn vật lộn với điều đó. Tôi vẫn đang học cách hiểu và chấp nhận. Thay vì cố gắng lý giải tất cả cùng lúc, tôi chọn tập trung vào việc phục vụ. Tôi không phải là bác sĩ Singapore đầu tiên hay duy nhất làm điều này. Chúng tôi đi vì muốn cống hiến. Và khi chia sẻ câu chuyện này, chúng tôi giúp nhau hiểu hơn về thế giới”, tiến sĩ Khoo cho hay.
Với cô, cơ hội phục vụ cộng đồng xa xôi không phải là việc “cứu người” mà là đặc ân để học hỏi, trưởng thành và đồng hành với những người cùng lý tưởng. Dù công việc vất vả, cô hy vọng sẽ được tiếp tục.
“Mọi người nghĩ họ may mắn khi có chúng tôi đến giúp. Nhưng thật ra, tôi mới là người may mắn. Mỗi lần đi, tôi lại học được rất nhiều và luôn mong được quay lại”, tiến sĩ Khoo nói.