NÓI THẲNG: Phải chặn ngay "bê bối" kiểu Coca-Cola, Heineken Việt Nam
Những ngày đầu năm 2020, dư luận bất ngờ trước thông tin ngành thuế đã truy thu, xử phạt về thuế với "ông lớn" Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam số tiền 821,4 tỉ đồng.
Cùng đó, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam bị truy thu, phạt thuế 916 tỉ đồng trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần vào năm 2018.
Ngoài ra, một số công ty trong nước khác cũng bị phạt, truy thu số tiền thuế không nhỏ. Tôi đánh giá cao nỗ lực của thanh tra thuế khi nỗ lực phát hiện và chứng minh được những khoản thuế cần phải truy thu, khiến các doanh nghiệp (DN) trên phải thừa nhận vi phạm, hứa thực hiện nghiêm chỉnh quyết định truy thu trong thời hạn quy định.
Những phát hiện vi phạm pháp luật về thuế cực kỳ quan trọng trong bối cảnh ngân sách nhà nước cần nguồn bổ sung hợp pháp, tránh gây thất thoát. Nó cũng chứng minh cho việc cơ quan quản lý nhà nước không thể "ngây thơ" tin rằng các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia luôn tuân thủ đúng pháp luật của nước sở tại. Thực tế, họ tìm ra mọi kẽ hở pháp luật dù nhỏ nhất để tăng lợi nhuận lên mức tối đa. Do vậy, quá trình tìm ra vi phạm và chứng minh được vi phạm là không hề dễ dàng đối với cơ quan quản lý Việt Nam.
Tôi muốn nói sâu hơn về hoạt động trốn thuế. Đa phần các công ty đa quốc gia có hoạt động trốn thuế đều sử dụng thủ thuật tài chính tinh vi có tên gọi là "chuyển giá". Cụ thể, công ty đa quốc gia có hoạt động ở Việt Nam thường nhập vật tư, nguyên phụ liệu của công ty con trong cùng tập đoàn ở nước khác nhằm phục vụ sản xuất tại nước sở tại. Để trốn thuế, họ sẽ thỏa thuận với nhau nâng giá vật tư, nguyên phụ liệu nhập khẩu lên tới "trời", khiến công ty hoạt động ở Việt Nam có phần chi phí tăng vọt và khai báo lỗ hết năm này qua năm khác. Điều cực kỳ trái khoáy và phi lý là các công ty ở Việt Nam tuy báo lỗ lớn nhưng lại được chia lãi trong cùng tập đoàn theo thỏa thuận nâng giá và liên tục đầu tư, mở rộng sản xuất.
Theo kinh nghiệm quản trị DN, thông thường, một mặt hàng lỗ liên tục trên 3 năm sẽ phải dừng sản xuất, thậm chí nhiều công ty sẽ phải thay đổi ngay mặt hàng nếu bị lỗ sau 12 tháng. Trong khi đó, nhiều DN đa quốc gia báo lỗ triền miên hàng chục năm mà vẫn tồn tại được ở thị trường sở tại là điều rất kỳ lạ. Phát hiện hiện tượng bất thường "mở rộng sản xuất để tăng lỗ" của DN hoạt động tại Việt Nam không quá khó nhưng chứng minh được các khoản nâng giá, tạo ra "lỗ giả, lãi thật" lại là việc hoàn toàn không đơn giản. Cơ quan thanh tra phải chứng minh được giá thực của vật tư, nguyên phụ liệu được giao dịch ở nước ngoài là bao nhiêu, có hồ sơ chứng từ rõ ràng thì phía DN mới chấp nhận với những vi phạm được chỉ ra. Bởi sự phức tạp như vậy nên tôi đánh giá rất cao những nỗ lực về nghiệp vụ của cơ quan thanh tra thuế khi đã đem lại kết quả cụ thể trong việc thu được khoản thuế thất thoát cho nhà nước.
Xét về bình diện cạnh tranh trên thị trường, việc để tồn tại những DN gian lận thuế sẽ khiến cho họ có cơ hội cạnh tranh không bình đẳng với các DN sản xuất cùng mặt hàng nhưng tuân thủ nghiêm túc pháp luật về thuế. Vì vậy, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế bình đẳng giữa DN đầu tư nước ngoài và DN trong nước là điều kiện cần thiết để tạo ra sân chơi bình đẳng, cạnh tranh đúng pháp luật.
Cộng đồng DN mong muốn ngành thuế tiếp tục hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ để phát hiện và chứng minh được nhiều hơn nữa những vụ vi phạm về thuế. Đồng thời, cũng nên coi việc nỗ lực thực hiện truy thu thuế để nộp ngân sách nhà nước là nhiệm vụ sống còn trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
TS Lê Đăng Doanh
-
Thị trường Tết hút doanh nghiệp xuất khẩu
-
NÓI THẲNG: Phải chặn ngay "bê bối" kiểu Coca-Cola, Heineken Việt Nam
-
Phước Hòa đàm phán xong giá đất, dự kiến lợi nhuận 4 năm tới không dưới 1.000 tỷ/năm
-
Yeah1 bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc mới
-
Mường Thanh nói gì về việc 2 khách sạn không đủ điều kiện lưu trú?
-
Sabeco thay đổi hay thụt lùi?