Chiêu lừa người dùng thuốc nhan nhản trên mạng xã hội
Cắt, ghép, lồng giọng trong clip để ngụy tạo sản phẩm, mượn hình ảnh các bác sĩ nổi tiếng và cho họ là tác giả của sản phẩm, thậm chí bịa ra những nghiên cứu tầm cỡ thế giới để quảng bá sản phẩm...
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, những quảng cáo thế này gần đây xuất hiện chủ yếu trên mạng xã hội, đánh lừa rất nhiều người sử dụng về tác dụng sản phẩm.
Chiêu độc
Khoảng 10 ngày trước, mạng xã hội bắt đầu chia sẻ một "link" bài phỏng vấn trông giống một bài báo, về "một sinh viên thiên tài người Việt Nam đã được tặng huân chương y tế cao quý của đất nước", nhờ phát minh ra loại thuốc tốt điều trị thấp khớp và phòng ngừa khuyết tật có tên P..
Theo quảng cáo, Mỹ sẵn sàng mua sáng chế thuốc P. với giá 30 triệu đôla nhưng tác giả không bán, mà để lại Việt Nam làm thuốc điều trị chính thức các loại bệnh tim mạch, thấp khớp, ngừa dị tật...!
Đây chỉ là một trong số các quảng cáo ngụy tạo, giả mạo rằng sản phẩm đạt chứng nhận, giải thưởng tầm cỡ quốc gia, thậm chí quốc tế để lừa bán sản phẩm.
Hiện những quảng cáo này xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, nào là "uống 4 viên/ngày trong vòng 15 ngày xóa sổ bệnh tiểu đường", "kiểm soát mỡ máu, chặn biến chứng tim mạch".
Các quảng cáo sử dụng nhiều hình ảnh để lừa bịp người dùng, như cắt ghép hình ảnh sản phẩm vào clip của VTV, dùng hình ảnh bác sĩ nổi tiếng ghép vào hình ảnh sản phẩm. Và gần đây nổi lên cách giả mạo giải thưởng, phát minh của nhân tài...
Khó xử quảng cáo giả mạo?
Trong một cuộc thảo luận gần đây về quảng cáo giả mạo, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Trần Việt Nga cho hay đang nảy sinh những khó khăn trong xử lý. "Chúng tôi từng đi thanh tra một cơ sở, không thấy có sản phẩm, không nhà máy, mà chỉ có hệ thống điện thoại và những người mặc quần cụt, không có trình độ dược lý tư vấn bán thực phẩm chức năng qua điện thoại" - bà Nga cho biết.
Với các quảng cáo lừa bịp trên mạng xã hội, bà Nga cho biết cục đã làm việc với Facebook để có thể đề nghị nền tảng này gỡ các quảng cáo sai, nhưng Facebook vẫn giữ quan điểm phải báo quảng cáo sai đó sang bộ chức năng. "Khi báo cáo xong qua các bước thì quảng cáo ấy đã đến rất nhiều người dùng rồi" - bà Nga nói.
Theo bà Lê Phương Dung - giám đốc một doanh nghiệp chuyên về quảng cáo, marketing dược phẩm và sản phẩm liên quan đến sức khỏe, các quảng cáo giả mạo này nhắm vào nhóm người dùng tầm tuổi từ 50 trở lên, có bệnh tật hoặc có nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhưng ít có thông tin hay điều kiện để kiểm chứng.
Và bằng chiêu quảng cáo "uống khỏi ngay", "sáng chế tầm thế giới", các tập đoàn lừa bịp có thể đi mua sản phẩm giá 15.000 đồng ở hiệu thuốc về thay nhãn mác để bán với giá 1,5 triệu đồng!
Đối phó bằng cách nào?
Trước đây, quảng cáo thực phẩm chức năng có sai sót thì cũng chỉ là gây nhầm lẫn sản phẩm là thuốc chữa bệnh, quảng cáo khi chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp phép, thẩm định nội dung, hoặc phân phát tờ rơi quảng cáo trái phép.
Giờ đây, các chiêu quảng cáo thực phẩm chức năng đã biến đổi nhanh chóng và đôi khi khó nhận ra như: tạo ra các trang landing page chỉ để dẫn một bài viết giả mạo bài báo vào mạng xã hội, giả mạo giải thưởng tầm quốc gia, quốc tế, giả tên bác sĩ nổi tiếng hay người dẫn chương trình nổi tiếng để ghép vào sản phẩm.
Ngay GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cũng bị ghép hình ảnh vào một sản phẩm vớ vẩn và ở quảng cáo đó, ông Liêm được chuyển tên là ông Trung.
Các chiêu quảng bá để tấn công người dùng đang thay đổi, mạng xã hội lại có chức năng muốn đăng tải, ẩn, xóa bài chỉ trong tích tắc, vì vậy đối phó quả là không dễ. Đại diện một nền tảng mạng xã hội mới hiện diện ở Việt Nam cho biết tạm thời nền tảng này chưa cho phép quảng cáo các sản phẩm y tế, sức khỏe do lo ngại những "cú lừa" đã có, nhưng về lâu dài thì không thể từ chối mãi do đây là mảng thị trường lớn và tiềm năng.
Cơ quan chức năng cũng khá sốt sắng kiểm soát những quảng cáo lừa trên mạng, nhưng khó một điều là rà soát không xuể, do có khi quảng cáo ấy hiện diện với người xem nhưng thanh tra xem lại không thấy, hoặc họ loại bỏ khu vực Giảng Võ (nơi có trụ sở Bộ Y tế) khi quảng cáo. Giải pháp đang được nói đến nhiều hiện nay là cơ quan báo chí chính thống và thậm chí tạo ra một kênh riêng chuyên thông báo các quảng cáo sai phạm, từ đó người dùng có thể vào tra cứu.
Nên tăng mức xử phạt
Sản phẩm liên quan đến sức khỏe thì luôn nhạy cảm. Gần đây, một bác sĩ nổi tiếng chia sẻ, ba của anh cũng hay mua "thuốc" qua quảng cáo mà con là bác sĩ nói ông lại không nghe!
Ông Võ Trương Như Ngọc, phó viện trưởng Viện Đào tạo răng hàm mặt, Đại học Y Hà Nội, cho biết mới đây ông thấy quảng cáo "làm răng sứ không cần mài răng" trên mạng xã hội.
Đây là thông tin giả mạo để thu hút người đến làm răng sứ, bởi 100 chiếc răng chỉ có 2-3 chiếc đặc biệt không cần mài. Quảng cáo giả mạo sẽ dẫn đến lạm dụng chỉ định, phá hết răng tự nhiên, cần phải nâng mức xử phạt để có thể làm nghiêm.
Với các doanh nghiệp có quảng cáo giả mạo, ngoài nâng mức phạt tiền, cần tước giấy phép hành nghề hoặc có các hình phạt bổ sung.
LAN ANH
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8