Người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm bằng thị giác
Phần đông người tiêu dùng vẫn chọn mua thực phẩm một cách cảm tính theo tiêu chí “ngon mắt” chứ không dựa theo sự hiểu biết về an toàn thực phẩm.
Theo thạc sĩ Hoàng Thị Hồng Loan - giảng viên Trường cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM - tiêu chí hàng đầu khi tiêu dùng thực phẩm của các bà nội trợ là phải tươi sống. Chẳng hạn, cá phải còn bơi, tôm phải còn nhảy, hay chí ít cũng là hàng xách tay từ quê lên… mà không quan tâm việc nuôi trồng được giám sát chất lượng ra sao. Những vật nuôi hay cây trồng sống trong môi trường nhiều chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật rất nguy hại cho sức khỏe, dù bề ngoài trông đẹp mắt, tươi sống.
Không ít người khi nghe người khác rỉ tai về một sản phẩm ngon, liền mua về dùng. Nhiều người có thói quen đi chợ, mua thực phẩm về bỏ vào tủ lạnh tích trữ, ăn dần, cái nào hư hoặc sắp hư thì ăn trước, đồ còn tốt thì tiếp tục bảo quản, khi ăn hết đồ hư thì đồ tốt cũng gần hư. Theo bà Loan, cách tiêu dùng này rất dễ rước bệnh vào người.
Từng được thưởng thức thực phẩm đông lạnh xuất khẩu đi các thị trường lớn, bà Loan không khỏi băn khoăn, tại sao những thực phẩm ngon, đạt chuẩn an toàn lại chỉ để xuất khẩu. Đây là một thiệt thòi cho người tiêu dùng trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - cũng cho rằng, nhiều người giữ thói quen tiêu dùng không đúng, nên cứ thấy con gà được giết mổ trước mắt, con heo, con bò cũng phải thấy thịt đỏ trên sạp thịt vào buổi sáng là tin tưởng. Chất lượng thực phẩm lưu thông hiện nay thường chỉ người bán biết, người mua không biết.
Điều này thể hiện vị thế người mua yếu hơn người bán trong mua bán, tiêu dùng thực phẩm. Bà Minh cho rằng, nhiều nhà cung cấp thực phẩm treo biển một đằng nhưng chất lượng một nẻo. Giấy chứng nhận còn có thể mua bán thì rất khó có thể tin được vào những lời quảng cáo, giới thiệu.
Tôm, cá đánh bắt từ ao về nhà máy chế biến trong điều kiện chuẩn, đông lạnh đạt chuẩn, đúng độ thì chất lượng sản phẩm giữ nguyên, giá trị dinh dưỡng cũng được bảo toàn. Lẽ ra người tiêu dùng nên chọn thực phẩm loại này, nhưng họ lại thích mua tôm, cá nguyên con, ướp đá trong thùng xốp, vận chuyển từ Nam ra Bắc. Thực ra, đá chỉ giữ lạnh, bên trong con cá đã biến đổi, thậm chí là ươn, thối, vi khuẩn rất nhiều.
Tiến sĩ Minh cho rằng, cần thay đổi nhận thức trong tiêu dùng. Chỉ khi người tiêu dùng cởi mở hơn với thực phẩm đông lạnh, thực phẩm mới được kiểm soát tốt hơn. Ở hầu hết các nước phát triển, thực phẩm đều được sơ chế, chế biến và đông lạnh, giúp kiểm soát chất lượng và mức độ an toàn của thực phẩm. Hiện nhiều người chưa hiểu rõ nhiệt độ đông lạnh (dùng để cấp đông thực phẩm) và nhiệt độ bảo quản (nhiệt độ đông đá của tủ lạnh). Nhiệt độ đông lạnh tối thiểu là âm 250C, đối với thủy sản là âm 400C.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ, Trường đại học Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - phân tích, đông lạnh là phương pháp cấp đông sản phẩm, chủ yếu là thực phẩm. Đây là quá trình ức chế hoạt động của vi khuẩn trong sản phẩm, giúp duy trì dinh dưỡng, màu sắc. Việc mua thực phẩm tươi sống về lưu trữ trong tủ lạnh khó đảm bảo được chất lượng, khó giữ được dinh dưỡng, an toàn. “Nước đông ở 00C nhưng thực phẩm cần điểm đông thấp hơn, mỗi loại có độ đông khác nhau nên không thể sử dụng một nhiệt độ” - tiến sĩ Diệp cho hay.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng chấp nhận thực phẩm đông lạnh, thị trường phải minh bạch. Thông tin về sản phẩm phải chính xác, sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn phải thực sự đạt chuẩn, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dùng. Hiện thị trường vàng thau lẫn lộn nên người tiêu dùng đành phải chấp nhận hên xui, cảm tính.
Hoàng Anh
-
Ngăn chặn gần 2 tấn trái cây sấy dẻo và kẹo nhập lậu
-
Lạng Sơn: Kịp thời ngăn chặn 960 kg Chân gà đông lạnh nhập lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình
-
Quảng Ninh: Chuyển cơ quan tố tụng vụ việc vận chuyển gần 2 tấn ức vịt nhập lậu
-
Ăn kẹo trước cổng trường, 15 học sinh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm
-
Đồ chay rằm tháng Bảy, người dùng e dè đồ hộp
-
Khách hàng nhập viện sau khi uống sữa Pediasure?!