Ngăn hàng gian, hàng giả… qua các sàn thương mại điện tử
Đó là yêu cầu được Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đặt ra trong kế hoạch triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tổng cục QLTT đánh giá, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là với phương thức thương mại điện tử (TMĐT). Đặc biệt, với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo…, người bán dễ dàng lập nhiều tài khoản hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn cho việc xử lý.
Tổng cục QLTT yêu cầu các đơn vị thuộc lực lượng phải xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra kiểm soát thị trường, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội QLTT. Đặc biệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn TMĐT, mạng xã hội Facebook, TikTok…
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông nhất là hàng hóa vận chuyển từ biên giới, cảng hàng không quốc tế vào nội địa, các điểm kinh doanh; các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, làng nghề.
Tổng cục QLTT cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, đặc biệt là cục QLTT các tỉnh, thành phố có biên giới đường bộ, cảng biển, cảng hàng không quốc tế tăng cường kiểm tra, xử lý, đặc biệt đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm, như: đường cát, rượu, bia, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, thực phẩm, gia súc, pháo nổ, pháo hoa các loại...Kế hoạch sẽ được toàn lực lượng QLTT triển khai từ ngày 1/11/2024 và thực hiện xuyên suốt đến hết ngày 1/3/2025.
Theo Sở Công Thương TPHCM, việc quản lý chất lượng, ngăn chặn hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, dữ liệu cá nhân…, hiện nay trở nên phức tạp hơn khi có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhất là nhà cung cấp từ nước ngoài. Nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng TMĐT như quảng cáo, khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ diễn ra phổ biến trên các sàn TMĐT xuyên biên giới, mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Sở đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng TMĐT, mạng xã hội…; áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc (ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam) đối với các website, nền tảng TMĐT, mạng xã hội…, vi phạm nhiều lần. Đồng thời rà soát quy định pháp luật về TMĐT hiện hành; kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn TMĐT xuyên biên giới quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. Hoàn thiện quy định và chính sách thuế, đảm bảo các nền tảng TMĐT nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ, thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua TMĐT xuyên biên giới.
-
Tiền Giang: Phát hiện 2 cơ sở buôn bán thực phẩm bổ sung và thức ăn chăn nuôi giả
-
Đà Nẵng: Xử phạt 24 triệu đồng đối với cửa hàng trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu
-
Lực lượng Quản lý thị trường triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
-
Ngăn hàng gian, hàng giả… qua các sàn thương mại điện tử
-
Rộ nạn lừa tiền qua các ứng dụng cho vay online
-
Ngành điện TP HCM chỉ cách nhận biết cuộc gọi giả danh, lừa đảo