Mua pháo hoa, coi chừng rước họa

Thứ sáu, 25/12/2020, 17:46 PM

Nghị định 137/2020/NĐ-CP cho phép người dân sử dụng pháo hoa và cũng quy định rõ về đơn vị được phép sản xuất, cung cấp pháo hoa. Hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện các loại pháo hoa ngoại, bày bán công khai và mua loại pháo này là vi phạm pháp luật.

Pháo hoa ngoại tràn lan thị trường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi có Nghị định 137/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 11/1/2021) cho phép sử dụng pháo hoa không có tiếng nổ, loại pháo này đã được lưu hành rộng rãi. Nhiều năm qua, chúng được bán rất phổ biến ở các nhà sách, cửa hàng bán văn phòng phẩm, đồ lưu niệm… để phục vụ các dịp như sinh nhật, cưới hỏi. Khi đốt, loại pháo này tạo ra ánh sáng rực rỡ nhưng không có tiếng nổ.

Rất nhiều loại pháo bán lẻ trên thị trường hiện nay được nhập lậu từ Trung Quốc

Rất nhiều loại pháo bán lẻ trên thị trường hiện nay được nhập lậu từ Trung Quốc

Nguồn pháo này chủ yếu đến từ Trung Quốc và đa phần là nhập lậu. Một chủ cửa hàng văn phòng phẩm trên Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, từ nhiều năm nay, ông đã bán loại pháo hoa được gọi là nến phụt có hình que, dài 15 - 30cm, được đóng mỗi bịch 6 que. Khách hàng hầu hết là sinh viên, mua dùng trong dịp sinh nhật, liên hoan, văn nghệ.

  Chỉ đến khi có thông tin loại pháo này được phép sử dụng, ông mới giật mình nhận ra, việc ông bán sản phẩm này trong mấy năm qua là bất hợp pháp. Gần như toàn bộ pháo hoa ông bán đều là hàng Trung Quốc. 

Hàng loạt cửa hàng và xe đẩy trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) lâu nay cũng bán các loại pháo hoa phát sáng, bắn ra giấy màu.

Một người bán pháo hoa bằng xe đẩy giới thiệu với chúng tôi hơn mười loại pháo, nhưng có thể gói gọn vào hai dòng chính: loại pháo giấy và loại pháo có ngòi đốt phát ra tia sáng. Các loại pháo này đều có xuất xứ Trung Quốc, vỏ hộp, lớp giấy bên ngoài đều in chữ Trung Quốc kèm tiếng Anh “best fireworks indoor” (pháo hoa trong nhà tốt nhất), “rocket pyrotechnic” (pháo hoa tên lửa), không có pháo nào do Việt Nam sản xuất. 

Giá pháo có ngòi phát tia sáng là 35.000 đồng/cây, giá một hộp mười cây là 300.000 đồng; giá pháo cây kim tuyến ống phụt là 30.000 đồng/cây, bộ sáu cây giá 150.000 đồng; giá pháo hoa điện xoay hình tam giác là 80.000 đồng/cái. 

Nhập nhèm pháo hoa, pháo nổ

Dù là hàng nhập lậu nhưng các loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ vẫn được bán công khai. Trong khi đó, các loại pháo hoa có tiếng nổ được bán bí mật hơn.

Một số cửa hàng chuyên doanh đồ trang trí tết trên đường Ngô Nhân Tịnh và dọc đường Hải Thượng Lãn Ông treo đủ loại pháo dây trang trí, pháo điện, pháo hoa phát sáng bên ngoài nhưng một số khách hàng cho biết, họ vẫn mua được các loại pháo có tiếng nổ tại đây, còn khách lạ rất khó mua được các loại pháo này.

Chúng tôi ghé cửa hàng trên đường Ngô Nhân Tịnh, quận 5, hỏi mua pháo hoa, nhân viên bán hàng nhanh nhảu trả lời “có bán”, nhưng vào trong cửa hàng, bà chủ nhìn khách với ánh mắt dò xét rồi nói: “Ở đây chỉ bán các loại pháo bắn ra giấy màu và pháo phát sáng chứ không bán pháo hoa phát nổ”.

Khi ngỏ ý muốn mua loại pháo hoa bắn lên không trung vài mét, sau một hồi lưỡng lự, chủ một xe đẩy trên đường Hải Thượng Lãn Ông đưa cho chúng tôi xem video quay trong điện thoại cho thấy pháo phát ra tiếng nổ kèm tiếng rít, sau đó phát sáng nhiều màu và báo giá: loại 500.000 đồng/cây bắn 8 phát, ra hoa to kèm tiếng nổ; loại 200.000 đồng/cây bắn 30 phát, cũng có tiếng nổ nhưng hoa nhỏ. Nếu khách mua, pháo được lấy từ nơi khác đến chứ không bày bán công khai. 

Theo những người bán pháo bằng xe đẩy, hầu hết các cửa hàng bán pháo hoa hay cá nhân bán pháo hoa trên mạng đều bán loại này, nhưng do hàng cấm nên không bán công khai, chỉ bán cho người thực sự muốn mua.

Điều này cho thấy, người bán biết rõ pháo hoa phát tiếng nổ là hàng cấm kinh doanh, không được bán và tùy tiện sử dụng nhưng vẫn lén lút bán. Các loại pháo này đều có nguồn gốc và chất lượng không rõ ràng.

Pháo phát ra tiếng nổ là hàng cấm kinh doanh, cấm đốt nhưng nhiều đối tượng vẫn tuồn lậu từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Mới đây, Công an tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ nhiều vụ tàng trữ, mua bán pháo trái phép, thu giữ 29 hộp pháo hoa dàn các loại, có tổng trọng lượng gần 45kg. 

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang cũng bắt quả tang hai đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán pháo, thu giữ 54kg pháo, trong đó có 34 bệ pháo (loại dàn 36 quả/bệ) và 200 quả pháo trứng.

Mua pháo hoa không nguồn gốc là phạm pháp

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, Nghị định 137/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên, Nghị định 137 cũng quy định cụ thể chín hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo hoa, như: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...

Luật sư Nguyễn Tri Đức phân tích: “Nhà nước phân loại pháo thành pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo hoa nổ tầm thấp và tầm cao là các loại pháo nổ thường được chính quyền tổ chức đốt/bắn trong các lễ hội, tết, còn pháo hoa là sản phẩm tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Như vậy, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ”.

Luật sư Đức cho biết, cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng pháo hoa cần phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và chỉ được mua pháo hoa từ các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

“Lưu ý rằng, chỉ những tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Như vậy, mua bán pháo hoa trôi nổi cũng là hành vi vi phạm pháp luật” -  luật sư Đức nói.

Đại tá Lê Công Vân - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM - cho biết Nghị định 137 của Chính phủ chỉ cho phép đốt pháo hoa, cấm đốt pháo nổ: “Chỉ đơn vị quân đội mới được phép sản xuất pháo hoa và người dân chỉ được mua pháo hoa của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng”.

Theo đại tá Vân, mọi hình thức vận chuyển pháo nổ trên lãnh thổ Việt Nam đều bị cấm. Chính quyền địa phương và công an địa phương có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy địa phương xử lý nghiêm việc đốt pháo nổ.

Lực lượng công an phải tham mưu tốt cho các địa phương và có văn bản hướng dẫn cho các sở, ngành, địa phương để chống việc đốt pháo gây mất an ninh trật tự, gây thiệt hại về người và tài sản.

“PC06 sẽ có văn bản báo cáo Ban giám đốc Công an TPHCM, báo cáo cho Thành ủy, UBND thành phố về vấn đề này. Hiện nay, ở các tỉnh, thành khác đã phát hiện những trường hợp lợi dụng Nghị định 137 để buôn lậu pháo.

Tại TPHCM, chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự dịp tết, trong đó có việc ngăn chặn, xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng pháo nổ” - đại tá Vân nói.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an TPHCM - cũng cho rằng cần phải tuyên truyền quy định mới của Chính phủ cho người dân và các tổ chức nắm rõ để thực hiện.

Ông nói: “Phải xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc đốt pháo hoa để buôn bán, sử dụng pháo nổ. Công an TPHCM sẽ tập trung đấu tranh với hoạt động buôn lậu pháo nổ, đặc biệt là dịp cuối năm, đồng thời kiên quyết xử lý các hoạt động vi phạm nghị định của Chính phủ liên quan đến đốt pháo. Rất mong người dân chấp hành nghiêm quy định”. 

Nguyễn Cẩm - Sơn Vinh

Theo phunuonline