Mai Vàng 2020: Trao đổi quyền lưu giữ "kiệt tác" để chăm lo nghệ sĩ khó khăn

Thứ hai, 14/12/2020, 15:18 PM

Biểu tượng làm bằng hợp kim quý phủ vàng 24K, cao 30 cm, rộng 16,5 cm với 25 bông hoa vàng, nhụy hoa và nụ đính 1.113 viên đá Swarovski cao cấp sẽ được Báo Người Lao Động chuyển quyền lưu giữ

Trong chương trình lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 26 (tối 14-1-2021) còn có một tiết mục đặc biệt, đó là công bố cá nhân, đơn vị sở hữu "Nhành Mai Vàng" hay còn gọi là "Hoàng Kim Mai" - kiệt tác PNJ phủ vàng 24K. Toàn bộ số tiền mua tác phẩm độc đáo này sẽ đưa vào quỹ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" nhằm chăm lo đời sống những văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, bị tai nạn... Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tác phẩm độc đáo

Biểu tượng "Nhành Mai Vàng" ra đời nhân kỷ niệm 25 năm Giải Mai Vàng và khởi động chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức. "Kiệt tác" làm bằng hợp kim quý phủ vàng, cao 30 cm, rộng 16,5 cm với 25 bông hoa vàng, nhụy hoa và nụ đính 1.113 viên đá Swarovski cao cấp giá trị hơn 150 triệu đồng do Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chế tác. Ngân hàng TMCP Nam Á cũng là đơn vị đầu tiên đồng hành cùng chương trình với số tiền ban đầu là 1 tỉ đồng.

Khán giả và văn nghệ sĩ đến tham dự chương trình lễ trao Giải Mai Vàng năm 2019 đã khen ngợi vẻ đẹp tinh xảo của tác phẩm "Nhành Mai Vàng". Mới đây, NSƯT Bảo Quốc chia sẻ: "Tác phẩm "Nhành Mai Vàng" được chế tác độc đáo, các nghệ nhân đã thổi hồn Xuân vào tác phẩm nghệ thuật. Nay nghe tin tác phẩm sẽ được trao đổi quyền lưu giữ, tiếp tục nhân rộng hiệu quả của chương trình "Mai Vàng nhân ái", tôi nghĩ rằng tác phẩm nghệ thuật này đã tăng thêm giá trị và mang tính nhân văn sâu sắc".

Lâu nay, tùy điều kiện của mỗi địa phương, mỗi tổ chức, cơ quan... mà hoạt động từ thiện ngày càng đa dạng cả về quy mô cũng như các nhóm đối tượng. Ở phạm vi quốc gia, có thể kể tới sự ra đời của Quỹ "Vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành lập với hàng loạt chương trình hành động, nhất là chương trình "Ngày vì người nghèo" (17-10 hằng năm). Rồi sự ra đời một số trung tâm chăm sóc người già neo đơn, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV; nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật… ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước là biểu hiện sinh động của hoạt động từ thiện.

Nhìn lại kết quả đã đạt được, có thể thấy chúng ta đang mang lại niềm vui cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhiều người có số phận kém may mắn trong xã hội. Hoạt động từ thiện hoàn toàn mang tính nhân văn, là thái độ văn hóa tùy thuộc vào khả năng, tự nguyện của mỗi tổ chức, cá nhân.

Báo Người Lao Động tổ chức trao đổi quyền lưu giữ "Nhành Mai Vàng" đưa vào quỹ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" với mục đích hướng về cộng đồng, chăm lo cho nghệ sĩ khó khăn. Chương trình bắt đầu hoạt động từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều nghệ sĩ đã nhận được hỗ trợ của chương trình như: Nhạc sư Vĩnh Bảo, cố đạo diễn - NSND Huỳnh Nga, NSND Đinh Bằng Phi, cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, nhạc sĩ Tiến Luân, cố nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm, nhà văn Mạc Can, cố NSƯT Nam Hùng, NSƯT Hùng Minh, các nghệ sĩ: Thanh Tú, Hồng Sáp, Bo Bo Hoàng, Tùng Lâm, Thanh Thế, Mai Trần, Tòng Sơn… và các nghệ sĩ ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân (giữa), nhận “Nhành Mai Vàng” từ PNJ tại lễ kỷ niệm 25 năm Giải Mai Vàng. Ảnh: TẤN THẠNH

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân (giữa), nhận “Nhành Mai Vàng” từ PNJ tại lễ kỷ niệm 25 năm Giải Mai Vàng. Ảnh: TẤN THẠNH

Tính đến nay, đã có trên 80 nghệ sĩ nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái". Không chỉ tổ chức đến thăm, trao quà của chương trình (5 triệu đồng/người) tại TP HCM, Ban Tổ chức (BTC) còn nhân rộng địa bàn để chăm lo các văn nghệ sĩ bệnh tật, có đời sống khó khăn do dịch bệnh tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Cần Thơ, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp. Và đại diện chương trình cũng đến viếng, chia sẻ với gia đình các nghệ sĩ qua đời.

NSND Kim Cương cho rằng thời gian qua, do ảnh hưởng của thiên tai khiến người dân tại các tỉnh miền Trung đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Trước đó là ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19, nhiều văn nghệ sĩ đã lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Do đó, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã kịp thời góp sức với xã hội và tiếp tục thực hiện ý nghĩa cao quý mà Báo Người Lao Động đã dày công xây dựng.

NSND Lệ Thủy đánh giá cao công tác thiện nguyện của chương trình "Mai Vàng nhân ái". "Toàn bộ số tiền từ chương trình trao đổi quyền lưu giữ "Nhành Mai Vàng" sẽ được quyên góp vào Quỹ "Mai Vàng nhân ái", trao tận tay những nghệ sĩ đang cần sự giúp đỡ. Tấm lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp của các cá nhân, doanh nghiệp sở hữu tác phẩm này chắc chắn sẽ chạm đến trái tim của giới nghệ sĩ chúng tôi, vì từ sự đóng góp của họ sẽ có thêm nhiều hoàn cảnh văn nghệ sĩ nghèo khó được giúp đỡ" - NSND Lệ Thủy nói.

NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết sự kiện này đã truyền lửa yêu thương, gắn kết cộng đồng, mang đến một cuộc sống đầy tính nhân ái cho thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo. "Tôi tin từ hoạt động này, nghệ sĩ trẻ được truyền thêm năng lượng tích cực, tiếp tục thay đổi hình ảnh sống vì cộng đồng của mình, biết kết nối những việc làm ý nghĩa" - NSƯT Trịnh Kim Chi bộc bạch. Nghệ sĩ Thanh Thủy, người đã từng đoạt Giải Mai Vàng, nói: "Tôi xin chân thành cảm ơn BTC và PNJ đã có một hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần kiến tạo tính nhân văn sâu sắc, giáo dục thế hệ diễn viên, ca sĩ trẻ tình yêu thương, sự sẻ chia và đồng cảm với những số phận kém may mắn".

 THANH HIỆP

Theo nld