Có gì ở những sự kiện 'không màn hình, không internet' ở Singapore?
Việc dành nhiều giờ ở người lạ, không dùng điện thoại thông minh khiến người trẻ khó chịu hay thích thú?
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Thói quen chi tiêu ban đêm ngày càng cao cho thấy cách người trẻ chi tiền để tận hưởng cuộc sống trong thời đại số.
Thống kê lại chi tiêu mua sắm tháng này, Hải - một nhân viên văn phòng 30 tuổi giật mình khi nhìn con số mình đã chi ra để mua sắm cá nhân. Chi tiêu quá "lố" khiến Hải phải ngồi lại thống kê những hóa đơn mình đã chi trả. Cô nhận ra những hóa đơn này gần như đến từ những đơn hàng mua sắm online khi cô xem livestream vào ban đêm - khi chồng con đã say giấc.
Thời gian "vàng" cho bản thân
Trong nhịp sống hối hả hiện đại, không chỉ Hải mà nhiều người trẻ khác quá bận rộn với vòng xoay công việc, cuộc sống ban ngày. Ban đêm chính là thời điểm để nhiều người trẻ "sống cho mình"
Từ việc mua sắm trực tuyến, đặt đồ ăn khuya, đến việc giải trí và tận hưởng "thời gian của riêng mình", người trẻ đang ngày càng chi tiêu nhiều hơn vào ban đêm. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải thói quen này.
"Một ngày bận rộn của tôi luôn bắt đầu bằng việc đánh thức con dậy, vội vã đưa con đi học rồi lại lao đi làm. Buổi chiều khi tan làm, tôi về đi chợ và nấu ăn, tắm giặt, cho con học bài. Chỉ khi con đã yên giấc, tôi mới thực sự được tận hưởng thời gian của riêng mình. Tôi thậm chí không muốn ngủ sớm vì thấy phí thời gian của riêng mình", Hải chia sẻ với PV.
Cũng giống Hải, Yến (nhân viên ngân hàng, 34 tuổi) cho hay, buổi tối là thời gian quý báu để cô thư giãn, giải trí và làm những điều mình yêu thích. Việc lướt mạng xã hội, mua sắm online vào ban đêm trở thành một cách để cô tận hưởng sự tự do và 'bù đắp' cho những căng thẳng của ban ngày.
"Ban ngày tôi quá bận rộn và không có thời gian riêng tư để thoải mái lướt web, lựa chọn và so sánh những sản phẩm mình muốn mua. Ban đêm khi mọi thứ yên tĩnh hơn, tôi thoải mái khám phá các gian hàng online, tìm kiếm những món đồ mình cần và yêu thích mà chẳng có sự gián đoạn nào. Điều đó khiến tâm trạng tôi khá thoải mái", Yến chia sẻ.
Chính sự thoải mái và thư giãn đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm, đặc biệt là mua sắm ngẫu hứng theo cảm xúc của nhiều người trẻ.
Việc thức đêm nhiều dẫn đến tình trạng "đói". Vì vậy, nhiều người hình thành thói quen ăn đêm. Với sự phát triển của các ứng dụng giao đồ ăn, việc đặt đồ ăn khuya cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Chúng ta không cần phải tự đi tới những quán ăn mà chỉ cần ngồi nhà tìm kiếm đồ ăn trên những ứng dụng giao hàng 24/7. Việc tự thưởng cho bản thân một bữa ăn đêm ngon miệng sau một ngày dài mệt mỏi cũng trở thành một hình thức giải trí và xả stress phổ biến của nhiều người.
"Vợ chồng tôi có thói quen ăn khuya từ nhiều năm trước khi còn yêu nhau. Chúng tôi vui mừng khi quán quen thông báo có dịch vụ giao đồ ăn khuya tới 3h sáng. Cảm giác cả hai cùng thưởng thức món ăn yêu thích khiến chúng tôi thấy mình như được quay trở lại thời yêu nhau", Sang (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Trong số nhiều bạn trẻ được hỏi, đa số có chung những quan điểm coi "ban đêm" là thời gian "vàng" để tận hưởng những điều mình muốn như mua sắm online, ăn đêm, xem phim hay đặt một chuyến du lịch ngẫu hứng...
Tốn tiền vì "quen tay", mua sắm theo cảm xúc
Mạng xã hội và các nền tảng livestream bán hàng đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng của giới trẻ. Các video review sản phẩm hấp dẫn, các phiên livestream bán hàng sôi động với nhiều ưu đãi, giảm giá kích thích người xem mua sắm.
Việc xem livestream bán hàng vào ban đêm khi tâm lý dễ bị chi phối và thiếu tỉnh táo hơn có thể dẫn đến những quyết định mua hàng bốc đồng, thậm chí mua những sản phẩm không thực sự cần thiết.
"Hiệu ứng đám đông" và cảm giác "sợ bỏ lỡ" (FOMO - Fear of Missing Out) trong các phiên livestream cũng góp phần thúc đẩy chi tiêu ngẫu hứng.
Thu Hà (35 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) là một "nạn nhân" của hiệu ứng này. Hà chia sẻ, có tháng cô "nghiện" xem livestream để mua quần áo tới nỗi luôn mong ngóng người bán hàng xuất hiện vào thời điểm cố định mỗi ngày.
"Tôi thấy những người bán hàng nói chuyện cuốn hút. Sản phẩm quần áo của họ cũng có chất liệu khá tốt mà giá cả lại phải chăng. Ngày nào tôi cũng ngóng người bán hàng livestream là thật", Thu Hà kể lại.
Kết quả, Thu Hà thống kê có tháng cô mất tới 15 triệu đồng vì mua quần áo từ những phiên livestream trên mạng xã hội.
"Nhìn con số tôi cũng giật mình. Tôi mua đồ rẻ nhưng quá nhiều nên thành đắt. Quan trọng là bây giờ tôi còn rất nhiều đồ chưa từng mặc một lần", Thu Hà nói. Sau đó, cô đã phải "cai nghiện" mua sắm livestream bằng cách "bỏ theo dõi" những cửa hàng yêu thích.
Khi đã quen với việc lướt web, lướt app mua sắm vào ban đêm, hành động này có thể trở thành một thói quen vô thức. Nhiều người mở các ứng dụng mua sắm một cách tự động, không chủ đích mua gì cụ thể, nhưng lại dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của các sản phẩm hấp dẫn và khuyến mãi. Việc "quen tay" thêm hàng vào giỏ, thanh toán nhanh chóng chỉ bằng vài cú chạm có thể dẫn đến việc chi tiêu quá đà mà họ không nhận ra.
H.L (33 tuổi) cũng bất ngờ khi cô trở thành thành viên VIP của một kênh mua sắm online khi đã chi gần 200 triệu cho hàng trăm đơn hàng trong một năm. Trong khi, con số thống kê này của cô vài năm trước đó ít hơn hẳn. H.L chia sẻ, có thể thói quen mua sắm online vào buổi tối thúc đẩy "ham muốn" chi tiền theo cảm giác của mình.
"Đúng là nhiều tối, tôi lướt các kênh bán hàng online chỉ vì thói quen mà không chủ đích mua sắm gì cả. Nhưng cứ xem nhiều, tôi càng muốn mua nhiều. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao số tiền tôi chi ra lại quá nhiều như vậy. Tôi nhận ra mình mua quá nhiều đồ chỉ để ngắm cho vui chứ không dùng", H.L chia sẻ.
Để kiểm soát chi tiêu theo cảm xúc, cả H.L và Hải đều phải đưa ra quy định lượng tiền được chi tiêu cụ thể mỗi tháng. Họ cũng lên danh sách những thứ cần mua, hạn chế thời gian lướt mạng xã hội, xem livestream bán hàng vào ban đêm để tránh bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm.
"Thay vì chỉ lướt web mua sắm vào buổi tối, tôi chọn một bộ phim hay để xem hoặc trò chuyện với bạn bè nhiều hơn", H.L chia sẻ.
Với Hải, cô cũng quyết định sẽ ngủ sớm hơn, không "tiếc" thời gian "vàng" cho bản thân nữa bởi ngủ sớm cũng là cách để cô tái tạo năng lượng sau một ngày bận rộn.
Việc tìm kiếm sự cân bằng giữa tận hưởng cuộc sống về đêm và duy trì một lối sống lành mạnh, ổn định về tài chính là chìa khóa để người trẻ tận dụng tối đa những lợi ích mà "nền kinh tế đêm" mang lại, đồng thời tránh được những cạm bẫy tiềm ẩn.