Làm sao để doanh nghiệp Việt “đứng vững” trên chính thị trường thời trang Việt?
Mặc dù có lợi thế "sân nhà" nhưng dường như doanh nghiệp thời trang Việt đang gặp khó trên chính thị trường nội địa, trước sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài như H&M, Zara hay sắp tới là Uniqlo.
Các "ông lớn" thời trang ngoại lần lượt đổ bộ vào Việt Nam thu hút được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Trong khi đó, một số thương hiệu thời trang Việt lại đang dính nghi án cắt mác hàng Trung Quốc gắn mác hàng made in Vietnam.
Ngày 6/12 tới đây, cửa hàng đầu tiên của hãng thời trang bình dân Nhật Bản - Uniqlo sẽ chính thức khai trương tại thị trường Việt Nam, nối gót các thương hiệu ngoại như: H&M, Zara, hiện đang "làm mưa, làm gió" tại các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM, Hà Nội.
Dù có lợi thế về "sân nhà" song dường như doanh nghiệp thời trang Việt đang chịu sự cạnh tranh gay gắt và gặp khó trên chính thị trường nội địa do áp lực từ các thương hiệu ngoại hay ảnh hưởng từ các vụ việc cắt mác, đội lốt hàng made in Vietnam.
Vậy phải làm sao để doanh nghiệp Việt "đứng vững" trên thị trường thời trang Việt đang là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Trao đổi với BizLIVE, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, để không bị lấn át so với hàng thời trang ngoại, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự vươn lên để làm chủ thị trường.
Đầu tiên là tự chủ từ nguyên vật liệu như: Vải vóc, xơ sợi... Hiện tại, doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc. Nếu có những chính sách phát triển được ngành nguyên liệu và phụ liệu may mặc, da giày, Việt Nam sẽ giải quyết được một lượng lớn công ăn việc làm và cũng giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp may mặc.
Đặc biệt là khâu sản xuất, ông Phú cho rằng, để có "chỗ đứng" trên chính thị trường nội địa thì thời trang Việt phải chinh phục được người Việt Nam. Mẫu mã thời trang Việt Nam phải đa dạng và phù hợp với nhu cầu của người dùng hơn nữa thì mới có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
"Ngoài ra, chính việc khó tiếp cận vốn và đất đai khiến doanh nghiệp không mở rộng được quy mô gây tốn kém chi phí cho khâu sản xuất. Chỉ khi mở rộng quy mô và cắt giảm được chi phí, hàng thời trang Việt mới có lợi thế về giá để cạnh tranh với hàng nhập khẩu", ông Phú nói.
Đây cũng là lý do khiến hiện nay, các mặt hàng thời trang Việt có giá bán ngang bằng hoặc cao hơn cả hàng may mặc nước ngoài trong khi mẫu mã chưa được phong phú và đa dạng hơn.
Trong khâu phân phối, hiện nay hàng may mặc Việt ra thị trường nội địa bằng hai kênh phân phối chính, thông qua hệ thống siêu thị hoặc qua hệ thống cửa hàng phân phối trực tiếp. Đối với kênh siêu thị, ông Phú cho rằng, chúng ta đang quá phụ thuộc vào hệ thống phân phối nước ngoài.
Với mức chiết khấu cao và thường xuyên thay đổi chính sách, các doanh nghiệp may mặc vừa và nhỏ Việt Nam chính là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên trước những tác động của hệ thống phân phối nước ngoài, ông Phú cho hay.
Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng ít nhiều khi một số vụ việc mới xảy ra thời gian qua liên quan đến nghi vấn cắt mác hàng Trung Quốc, gán mác hàng Việt.
Hạ An
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng