Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Để đạt mục tiêu GDP trên 8% phải kiểm soát lạm phát dưới 5%

Thứ sáu, 21/03/2025 08:31 (GMT+7)

Năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tiêu dùng chỉ đạt 6%, thấp hơn trước dịch Covid-19. Các chuyên gia nhận định kinh tế toàn cầu chậm lại, tác động đến Việt Nam.

Thông tin tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng ngày 19/3, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và dự báo đạt khoảng 2,7%, thấp hơn giai đoạn 2011 - 2019 (Dự báo của OECD con số này đạt khoảng 3,1%).

Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – cũng suy giảm với mức tăng trưởng dự kiến 1,5% và 4,5%. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa.

Thương mại, đầu tư và đổi mới sáng tạo đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài. Các quốc gia có thể tiếp tục giảm lãi suất, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Dự báo, Fed sẽ cắt giảm lãi suất hai lần vào tháng 9 và tháng 12/2025, do đó không cần quá lo ngại về chính sách điều hành lãi suất.

Về tỷ giá, năm 2024, USD tăng 6,5% nhờ lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,8%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, USD đã mất giá 4,3%. “Như thế không cần lo câu chuyện tỷ giá năm nay, đồng thời cho biết, VND vẫn khá ổn định khi chỉ giảm khoảng 0,4% từ đầu năm", TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Hai tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tiêu dùng chỉ đạt 6%.

TS. Cấn Văn Lực đánh giá bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2025 tích cực dù xuất khẩu có dấu hiệu chững lại. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, việc kiểm soát lạm phát dưới 5% là cần thiết, bởi “lạm phát đã thả ra thì sẽ rất khó kéo về”.

So với năm 2019, kinh tế Việt Nam đã phục hồi về trạng thái trước dịch. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu ròng chỉ đóng góp 4% cho tăng trưởng, trong khi thặng dư thương mại hàng hóa vẫn âm. Động lực chính vẫn là tiêu dùng (60%) và đầu tư (16%).

Trong đó, đầu tư công năm nay dự kiến giải ngân 900.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Nếu được triển khai hiệu quả, đặc biệt với các dự án trọng điểm, đây sẽ là lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế.

Về tiêu dùng, dù phục hồi nhưng mức tăng vẫn thấp, chỉ bằng 2/3 so với trước dịch. “Sức cầu vẫn yếu, cần nghiên cứu từ Trung Quốc xem họ kích cầu thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng”, TS. Cấn Văn Lực gợi ý

Chia sẻ lưu ý về tiêu dùng cá nhân, theo ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nam Á Bank, tỷ trọng tiêu dùng cá nhân đã giảm từ năm 2020 đến nay, cho thấy động lực tăng trưởng GDP ngày càng phụ thuộc vào chi tiêu Chính phủ và xuất nhập khẩu ròng. Trong chuỗi giá trị xuất nhập khẩu 800 tỷ USD năm 2024, doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 5% - 7%, khiến tính lan tỏa trong nền kinh tế nội địa rất thấp.

Ông Hải cho biết, ví dụ từ ngành sản xuất điện thoại, doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 2% - 4%, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Đầu tư tư nhân chiếm 55% tổng vốn đầu tư xã hội, nhưng tiêu dùng tư nhân giảm mạnh, từ mức 18% - 19% trước dịch COVID-19 xuống còn 6%.

Theo Công Thành (Tạp chí Lao động&Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn