Kem Tràng Tiền chưa dứt "nợ duyên" gia đình ông Hà Văn Thắm
Hơn 10 năm trôi qua, dù đã được ghi nhận là công ty con của Ocean Hospitality nhưng Kem Tràng Tiền vẫn chưa dứt "nợ duyên" với gia đình ông Hà Văn Thắm.
"Con cưng" của OCH
Kem Tràng Tiền là một trong những thương hiệu lừng danh của Hà Nội. Trong khi nhiều thương hiệu khác đã đi lùi vào dĩ vãng hoặc chật vật tồn tại, kem Tràng Tiền vẫn đọng lại trong tâm trí của những người thuộc thế hệ xưa. Ngay cả giới trẻ cũng ủng hộ kem Tràng Tiền bằng "văn hóa kem đứng" của người Hà Nội.
Hàng thập kỷ qua, tại ngã tư Tràng Tiền - Ngô Quyền, bất kể mùa hạ hay mua đông, người dân Hà Nội quen với cảnh hàng chục, thậm chí hàng trăm nam thanh, nữ tú đứng xếp hàng, hoặc "thả dáng" trên vỉa hè để ăn kem Tràng Tiền. Nhiều du khách khá tò mò khi chứng kiến khung cảnh đặc biệt này, từ đó, kem Tràng Tiền không còn là một món ăn mà trở thành nét văn hóa của người Hà Nội.
Nhưng sự "yên bình" của kem Tràng Tiền đã chấm dứt từ những năm 2000. Năm 2000, kem Tràng Tiền cổ phần hóa và nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì giá trị doanh nghiệp được xác định chỉ là 3,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chưa cần tính giá trị thương hiệu kem Tràng Tiền, chỉ riêng mảnh đất "kim cương" nằm ở mặt phố Tràng Tiền đã có thị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nhưng ngày đó, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chưa nhiều nên "vấn nạn" lợi ích nhóm nhờ giảm giá trị doanh nghiệp không được nhắc tới nhiều. Nếu Kem Tràng Tiền cổ phần hóa thời gian này, có lẽ thương vụ này sẽ ồn ào hơn đợt cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam.
Sau khi cổ phần hóa, có nhiều tin đồn cho rằng Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương do ông Hà Văn Thắm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã thâu tóm thành công kem Tràng Tiền với mức giá cao gấp 10 lần giá trị công ty cổ phần Kem Tràng Tiền.
Tuy nhiên, sau này, Kem Tràng Tiền được ghi nhận là có nhiều liên quan tới Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương - Ocean Hospitality, công ty con của Tập đoàn Đại Dương. Thế nhưng, trải qua thời gian dài, mãi vài năm gần đây, Kem Tràng Tiền mới được ghi nhận là công ty con của Ocean Hospitality. Sau đó, Kem Tràng Tiền lại được tái cơ cấu trở thành công ty con của công ty cổ phần bánh Givral. Tại thời điểm cuối quý 3/2017, Ocean Hospitality sở hữu 78,15% vốn Givral.
Có quy mô doanh thu không quá lớn nhưng trong bối cảnh Ocean Hospitality ngày càng xuống dốc, Kem Tràng Tiền trở thành đứa con cưng của công ty này. Hàng năm, khoản lợi thế thương mại mà Kem Tràng Tiền đóng góp vào Ocean Hospitality thực sự trở thành "cứu cánh" cho Ocean Hospitality, đơn vị từng chịu thua lỗ nhiều năm.
Cuối quý 3/2017, lợi thế thương mại mà Kem Tràng Tiền mang về cho Ocean Hospitality là gần 58 tỷ đồng, Con số này hồi đầu năm năm là gần 65 tỷ đồng. Cuối năm 2016, khoản lợi thế thương mại này cũng đạt gần 65 tỷ đồng.
Với 1 doanh nghiệp ngàn tỷ như Ocean Hospitality, đây là con số khiêm tốn. Thế nhưng, trong bối cảnh Ocean Hospitality kinh doanh bết bát (Ocean Hospitality lỗ 144 tỷ đồng năm 2016, chỉ lãi 20 tỷ đồng năm 2015 và lãi 43 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017) 65 tỷ đồng là con số không hề nhỏ.
"Nợ duyên" gia đình ông Thắm
Kem Tràng Tiền là nét văn hóa của người Hà Nội nhưng lại liên quan nhiều tới gia đình ông Hà Văn Thắm. Đầu những năm 2000, có rất nhiều tin đồn khẳng định ông Hà Văn Thắm đã thâu tóm thành công Kem Tràng Tiền với mức giá cao gấp 10 lần giá trị thị trường của Kem Tràng Tiền sau cổ phần hóa. Điều đó có nghĩa Kem Tràng Tiền bị thâu tóm với giá 32 tỷ đồng.
Thế nhưng, sau này Ocean Hospitality công bố đã mua Kem Tràng Tiền với giá lên tới 500 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Ocean Hospitality khẳng định đây là mức giá được đánh giá phù hợp. OCH khẳng định: “Công ty đã thực hiện đánh giá lại tài sản do Công ty Cổ phần Tràng Tiền quản lý, sử dụng bằng việc thuê chuyên gia định giá đánh giá lại tài sản. Ban Giám đốc tin tưởng rằng giá giao dịch chuyển nhượng này là phù hợp với giá thị trường tại thời điểm mua”
Tuy nhiên, Ocean Hospitality "nhờ" ông Hà Trọng Nam, anh trai ông Hà Văn Thắm mua. Điều đó được thể hiện qua chỉ tiêu "Phải thu" ông Hà Trọng Nam lên tới 500 tỷ đồng. Chi tiết này lần đầu được công bố trong báo cáo tài chính năm 2013. Cho tới nay, khoản phải thu này vẫn bị "treo".
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017, tại thời điểm 30/8/2017, ông Hà Trọng Nam vẫn còn liên quan với Ocean Hospitality qua 2 khoản phải thu: 128 tỷ đồng (phải thu ngắn hạn) và 499 tỷ đồng (phải thu dài hạn). Khoản phải thu dài hạn hồi đầu năm được xác đinh là 500 tỷ đồng. Dù Ocean Hospitality không thuyết minh cụ thể từng con số nhưng có thể thấy, khoản phải thu 499 tỷ đồng kia có thể liên quan tới số tiền mua Kem Tràng Tiền cách đây nhiều năm.
Không những thế, hồi cuối năm 2016, ông Hà Trọng Nam có tên trong danh sách "Nợ xấu" của Ocean Hospitality với khoản nợ khó đòi 628 tỷ đồng. Dường như, "nợ duyên" của Kem Tràng Tiền và ông Hà Văn Thắm vẫn chưa dứt dù ông Hà Văn Thắm đã bị kết án tù chung thân trong đại án Ocean Bank.
Theo Vy Vy-NTD
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường