Không có điều này, ngân hàng Quốc Dân sẽ có thêm kỳ thua lỗ

Thứ năm, 16/11/2017, 12:08 PM

Dù nợ xấu tăng nhưng ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) vẫn cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Không thực hiện điều này, NCB sẽ có thêm 1 kỳ thua lỗ.

Trong quý 2/2017, ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) là đơn vị duy nhất trong ngành ngân hàng công bố thua lỗ. Điều đó góp phần khiến cổ phiếu NVB của ngân hàng Quốc Dân tiếp tục giao dịch dưới mệnh giá trên sàn Hà Nôi.

Tới quý 3, cổ đông chờ đợi một kết quả tốt hơn. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 của NCB cho thấy hoạt động kinh doanh của đơn vị này đã cải thiện hơn. NCB có lãi trở lại, dù khoản lãi khiêm tốn hơn rất nhiều so với vốn điều lệ. Tuy nhiên, nếu hạch toán theo cách khác, NCB vẫn có thể có thêm 1 kỳ thua lỗ nữa.

Cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của NCB đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 1,1 tỷ đồng, tương ứng 3,2 lần so với quý 3/2016, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 7,5 tỷ đồng, giảm so với con số 7,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2017, NCB lỗ 3,3 tỷ đồng.

Nếu không cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, NCB đã có thêm 1 quý thua lỗ.

Nếu không cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, NCB đã có thêm 1 quý thua lỗ.

Lợi nhuận của NCB tăng mạnh về tỷ lệ cho dù các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều ảm đạm. Thu nhập lãi thuần quý 3/2017 chỉ đạt 228 tỷ đồng, giảm 39 tỷ đồng, tương ứng 14,6% so với quý 3/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 698 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng âm khi lãi thuần từ hoạt động này giảm từ 8,9 tỷ đồng hồi quý 3/2016 xuống 8,4 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối khiến ngân hàng lỗ 14 tỷ đồng.

Mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác là "cứu cánh" cho NCB khi giúp ngân hàng thu về khoản lãi 23 và 33 tỷ đồng. Hai hoạt động này đã lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là con số dương 28 tỷ đồng. Nhưng con số này vẫn chưa đảm bảo cho NCB có lãi vì NCB phải đóng thuế và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy, để đảm bảo được không bị thua lỗ thêm một lần nữa, NCB đã cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ tiêu này đạt 18,7 tỷ đồng, giảm so với 5,5 tỷ đồng, tương ứng 22,7% so với quý 3/2016.

Điều đáng nói, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm trong bối cảnh nợ xấu tại ngân hàng này tăng rất mạnh. Tại thời điểm cuối quý 3/2017, nợ xấu tại NCB đạt 678 tỷ đồng, tăng 302 tỷ đồng, tương ứng 80% so với thời điểm cuối năm 2016.

Lẽ ra, nợ xấu tăng, ngân hàng nên tăng trích lập nhưng ở đây, NCB lại cắt giảm để duy trì lợi nhuận dương. Nếu NCB trích lập dựng phòng đúng bằng quý 3 năm ngoái thì NCB đã thua lỗ 4 tỷ đồng.

Lương bét bảng

Trong năm nay, lợi nhuận và lương thưởng trong hệ thống ngân hàng tăng rất mạnh. Nhưng NCB không may mắn trong danh sách này. Lợi nhuận của NCB chỉ đạt 1,5 tỷ đồng dù ngân hàng có vốn điều lệ 3.010 tỷ đồng. Vì vậy, việc NCB trả lương thấp cho nhân viên là điều tất yếu.

Tại thời điểm cuối quý 3/2017, toàn hệ thống NCB có 2.402 người. NCB dành 244 tỷ đồng cho chi lương. Chỉ tiêu này tăng nhẹ so với con số 230 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bình quân, mỗi người lao động NCB nhận 96 triệu đồng/người/9 tháng, tương ứng 10,7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, ngoài lương, người lao động NCB còn có thêm thu nhập khác. Theo tính toán của NBC, tổng thu nhập của nhân viên ngân hàng và các công ty con đạt khoảng 11,4 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, các ông lớn ngân hàng trả lương dao động từ 22 đến 28 triệu đồng. Thấp hơn một chút, rất nhiều nhân viên ngân hàng khác có thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng. Vì vậy, với mức chi trả 11,4 triệu đồng/người/tháng, lương tại NCB đứng ở vị trí bét bảng trong ngành ngân hàng.

Mới đây, NCB vừa thay đổi loạt lãnh đạo ngân hàng. Đầu tháng 11 năm nay, Hội đồng quản trị NCB quyết định bầu ông Nguyễn Tiến Dũng làm chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho bà Trần Hải Anh. Ông Dũng là chủ của tập đoàn Gami - Gami Group.

Gami Group là tập đoàn đa ngành, hoạt động trên các lĩnh vực phân phối ôtô và dịch vụ; phát triển các khu đô thị đồng bộ, chung cư cao cấp; dịch vụ gia tăng bất động sản; xúc tiến đầu tư kinh doanh bất động sản và du lịch.

Sau đó, Hội đồng quản trị NCB cũng đã bổ nhiệm ông Hoàng Tuấn Tú giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng Bán lẻ và Dự án triển khai mô hình kinh doanh đối với phân phúc SME – 2018, kể từ ngày 13/11.

Theo Vy Vy-NTD

largeer