Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc các ngân hàng thu phí tràn lan?
Các tổ chức tín dụng triển khai rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và mỗi ngân hàng có những chính sách sản phẩm không giống nhau nên việc ban hành thống nhất các loại phí dịch vụ thanh toán rất khó khả thi.
Đây là ý kiến của ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước trả lời Báo Người Lao Động xung quanh phản ánh của báo liên quan đến các khoản phí dịch vụ thanh toán.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc thu phí dịch vụ thanh toán được quy định tại Luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Theo đó, tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn cho hệ thống, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế xác định lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc "cần thiết xây dựng quy định để quản lý các loại phí, lãi này thay vì để cho các ngân hàng thương mại tự quyết như hiện nay, vì mỗi ngâan hàng tên 1 loại phí khác", Vụ trưởng Vụ Thanh Toán cho hay để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, các tổ chức tín dụng triển khai rất nhiều các sản phẩm dịch vụ.
"Mỗi tổ chức tín dụng cũng có những chính sách sản phẩm không giống nhau nên việc ban hành quy định thống nhất các loại phí dịch vụ thanh toán (tên gọi, loại phí, mức phí,…) cho tất cả là rất khó khả thi và chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh nói chung của tổ chức tín dụng" - ông Phạm Anh Tuấn nói.
Theo Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng (đã sửa đổi, bổ sung), tổ chức phát hành thẻ thu phí theo biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài biểu phí đã công bố. Biểu phí dịch vụ thẻ phải nêu rõ các loại phí, mức phí áp dụng cho từng loại thẻ và dịch vụ thẻ. Đặc biệt, biểu phí này phải phù hợp với quy định của pháp luật, được niêm yết công khai và phải cung cấp cho chủ thẻ trước khi sử dụng và khi có sự thay đổi.
Các hình thức thông báo và cung cấp thông tin về phí cho chủ thẻ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Thời gian từ khi thông báo đến khi áp dụng các thay đổi về phí tối thiểu là 7 ngày và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ".
Ngoài ra, quy định hiện hành cũng yêu cầu hợp đồng phát hành, sử dụng thẻ phải có nội dung về quy định về phí (các loại phí, các thay đổi về phí); quyền và nghĩa vụ của các bên;...
"Khách hàng lưu ý tìm hiểu kỹ các quy định, chính sách, mức phí của ngân hàng để lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ với chính sách phí hợp lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ" - lãnh đạo Vụ Thanh toán thông tin thêm.
Tài khoản không sử dụng bao lâu thì đóng?
Một bất cập hiện nay là một vài ngân hàng vẫn thu phí đối với tài khoản 0 đồng ngưng sử dụng nhiều năm. Theo Thông tư 23/2014/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung), thời hạn đối với việc đóng tài khoản thanh toán do không duy trì đủ số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài… do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng.
Điều đó có nghĩa các ngân hàng được chủ động thu hay không thu phí với các tài khoản nhiều năm không sử dụng. Thực tế, trong khi nhiều ngân hàng có chính sách xử lý đối với tài khoản lâu ngày không hoạt động và không duy trì đủ số dư tối thiểu, vẫn có ngân hàng tiếp tục thu phí này.
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Lãi suất thấp chờ khách vay
-
Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc các ngân hàng thu phí tràn lan?
-
Đã khởi tố, bắt giam một giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB vụ 'bốc hơi' gần 340 tỷ
-
Vụ vay 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng: 'Ngân hàng tính lãi chồng lãi'
-
Tín dụng tăng nhanh 10 ngày cuối năm 2020