Gặp họa vì giảm cân sai cách

Thứ tư, 06/09/2023, 16:42 PM

Cân nặng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người và họ tìm mọi cách để đưa cân nặng đi xuống bằng rất nhiều trào lưu giảm cân khác nhau. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo việc giảm cân không khoa học dễ khiến cơ thể đổ bệnh.

Một trong số các trào lưu giảm cân được lan truyền trên mạng xã hội đó là chế độ ăn Low-carb, tức là giới hạn lượng Carbohydrate và tăng tỉ lệ Protein cũng như chất béo trong khẩu phần. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Carbohydrate chính là nhóm bột đường, với người Việt thì đây là năng lượng cung cấp chính trong khẩu phần ăn hàng ngày (như gạo, mì, ngô, khoai sắn…).

Minh họa từ internet

Minh họa từ internet

“Nếu bạn cắt giảm chất bột đường thì tổng năng lượng khẩu phần ăn có giảm nhưng sai lầm ở đây là chúng ta thường cắt hẳn chất bột đường. Thay vào đó là ăn nhiều chất đạm, chất béo trong khi chất đạm từ thịt thì nhiều cholesterol, chất béo bão hòa. Khi chúng ta cứ duy trì chế độ ăn như vậy một thời gian dài thì dễ bị mỡ máu cao, dẫn đến các biến cố tim mạch.

Ngoài ra, ăn quá nhiều chất đạm khiến axit uric trong máu cao, dễ dẫn đến bệnh gout, đau nhức xương khớp... Đó là chưa kể khi ăn nhiều đạm thì chức năng thận phải làm việc nhiều, quá sức, thậm chí là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận. Một số bệnh ung thư cũng gia tăng ở người ăn quá nhiều thịt, rồi ăn quá ít rau quả cũng khiến bệnh táo bón trầm trọng hơn…”- chuyên gia dinh dưỡng phân tích.

Chính vì vậy, nếu bạn thực hiện chế độ ăn Low-carb thì có thể áp dụng 1-2 tuần nhưng sau đó vẫn phải chuyển về cân đối các thành phần dinh dưỡng. Đừng để đến khi cơ thể rối loạn chuyển hóa, để lại các di chứng về thận, tim mạch thì lúc đó rất khó bình phục hoàn toàn.

Trường hợp khác, rất nhiều người nghĩ rằng nhịn ăn sáng sẽ giúp giảm cân, song theo PGS. Lâm, đây là thói quen xấu đáng báo động. Các bạn trẻ tăng cân nhiều thường sẽ nhịn ăn để giảm cân, nhưng giảm cân bằng khẩu phần ăn không đúng cách sẽ chỉ khiến lượng cơ giảm đi trong khi lượng mỡ không hề giảm. Chưa kể, việc nạp năng lượng một cách "no dồn, đói góp", ban ngày ăn ít nhưng tối lại nạp nhiều năng lượng khiến cho việc tích mỡ càng nhiều hơn. Và một khi đã thừa cân béo phì thì cũng sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh mạn tính khác nhau…

GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y Hà Nội) cảnh báo, việc giảm cân theo các phương pháp không khoa học là sai lầm đáng tiếc. Trong thực tế đã có trường hợp giảm cân bằng cách sử dụng nước mía, ớt chuông để detox khiến cho cơ thể không dung nạp đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, rối loạn điện giải. Trong khi theo ước tính phụ nữ cần 1000-1200kalo/ngày; ở nam giới là 1300- 1500 kalo/ngày. Một trường hợp giảm cân đáng tiếc mà chúng ta đã biết đó là một học sinh tử vong vì vấn đề nhịn ăn để giảm cân.

Do đó, lời khuyên dành cho tất cả mọi người khi muốn áp dụng bất kỳ một chế độ giảm cân nào đó cũng cần phải tìm đến sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng, làm sao để tạo ra khẩu phần ăn thấp năng lượng nhưng chế độ ăn vẫn phải đảm bảo.

Người phụ nữ gặp hoạ khi uống 2,5 lít nước mỗi ngày để thanh lọc

 Để thanh lọc cơ thể, người phụ nữ uống 2,5 lít nước mỗi ngày, lại còn ăn thêm trái cây mọng nước và uống canh hầm; không ngờ vì thế mà tính mạng bị đe doạ.

Uống nhiều nước tốt cho sức khỏe, nhưng quá nhiều sẽ gây hại. Ảnh: VTC.

Uống nhiều nước tốt cho sức khỏe, nhưng quá nhiều sẽ gây hại. Ảnh: VTC.

Việc uống nước có lợi cho cơ thể nhưng mọi người vẫn cần dựa theo tình trạng cơ thể để xác định mức uống vừa phải, nếu lạm dụng sẽ nguy hiểm. Chia sẻ mới đây của bác sĩ Viên Vu Đình (Đài Loan, Trung Quốc) về một trường hợp uống quá nhiều nước dẫn đến suy tim nghiêm trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.

 Trên "Y sư hảo lạt" - chương trình chuyên về sức khỏe nổi tiếng, bác sĩ Viên Vu Đình cho biết, cách đây không lâu, bà tiếp nhận một nữ bệnh nhân 60 tuổi. Người này có tiền sử tiểu đường và bệnh tim, phải dùng thuốc trong thời gian dài. Sợ rằng lượng thuốc lớn đưa vào cơ thể sẽ gây độc, và nghe nói thói quen uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp thanh lọc, giải độc, nữ bệnh nhân quyết tâm làm theo.

 Mỗi ngày, người phụ nữ này uống 2,5 lít nước và ăn thêm nhiều trái cây mọng nước, uống canh hầm. Duy trì kiểu ăn uống này được 2 tuần, bà bắt đầu có triệu chứng khò khè, khó thở, không thể nằm xuống mà ngủ được, nên gia đình phải đưa đi khám. Qua xét nghiệm và chụp X-quang, bác sĩ phát hiện toàn bộ phổi của bệnh nhân đã trắng xóa. Bà còn bị suy tim nghiêm trọng.

 Được điều trị, tình trạng bệnh giảm, nữ bệnh nhân được ra viện sau vài ngày nằm theo dõi.

Theo bác sĩ Viên Vu Đình, uống nước để thanh lọc cơ thể là tốt, là cách tăng cường trao đổi chất. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với một số người, chẳng hạn như người bị suy tim và bệnh thận. Cơ thể người suy tim không thể thải nước theo cách bình thường do trái tim không hoạt động đủ mạnh để đẩy nước ra ngoài. Người bị bệnh thận cũng không loại bỏ nước một cách dễ dàng do chức năng thận kém đi. Do đó, họ chỉ được uống nước vừa phải.

 

Theo phunu.nld.com.vn