Du lịch Việt muốn tạo 6 triệu việc làm, thu 45 tỷ USD
Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 diễn ra chiều 5/12, ông Lê Quang Tùng- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Chính phủ giao thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm.
Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực...
Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, ông Tùng cho biết, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.
Để đạt mục tiêu này, Chính Phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành Du lịch hiện tại... Tuy nhiên việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào.. sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.
Thứ trưởng nhận định, Diễn đàn sẽ đặt nền móng xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Ông Lê Quang Tùng kỳ vọng tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ nêu ra những ý kiến, đề xuất, giải pháp để ngành du lịch Việt Nam tìm ra hướng đi mới.
Trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Đây là ngành góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là từ sau năm 1986. Từ năm 1990 đến 2017, ngành du lịch nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần. Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế., đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.
Ngọc Mai
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Lý do khách Trung Quốc đến Nha Trang giảm mạnh
-
Việt Nam là 'thiên đường ẩm thực' của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan
-
TPHCM đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng
-
Xào thịt bò bị dai nhách, kém ngon vì thiếu nguyên liệu này khi ướp
-
Nấm rơm 'đội mũ'