Doanh nghiệp địa ốc mong gì trước cuộc họp với Thủ tướng?
Trước cuộc họp với Thủ tướng vào sáng nay (14/3), các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị hàng loạt vấn đề liên quan pháp lý bất động sản, vốn vay.
Cung giảm, cầu tăng
Giữa năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc khi hàng loạt dự án phải dừng hoặc hoãn tiến độ, thanh khoản kém. Năm ngoái, gần 1.300 doanh nghiệp địa ốc giải thể, phá sản. Chính phủ liên tục lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án; nhiều cuộc họp nhằm giải cứu thị trường đã diễn ra.
Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi lãnh đạo các doanh nghiệp mời tham dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 14/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Dù đây là cuộc họp chính sách tiền tệ nhưng có mặt hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản được mời tham dự như: Vingroup, Sungroup, Geleximco, Novaland, Hưng Thịnh, Taseco, Becamex IDC, Phát Đạt, Hoàng Quân, Vinaconex, Đèo Cả.
Trước đó, sáng 11/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới được ban hành.
Hiện, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua, song theo giới chuyên môn, thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức, như thiếu nguồn cung mới, mất cân đối giữa các phân khúc, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.
Thị trường bất động sản cũng đang phản ứng ngược lại khi giá liên tục tăng, đặc biệt là phân khúc chung cư. Nguyên nhân được chỉ ra: nguồn cung nhà ở đang thấp trong khi nhu cầu người dân liên tục tăng. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí đầu vào như giá đất, vật liệu, nhân công… đều tăng mạnh thời gian qua.
Chỉ rõ trách nhiệm để khắc phục
Theo các doanh nghiệp bất động sản, thay vì kêu gọi giảm giá nhà thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội như điểm sáng của thị trường. Theo đó, các thủ tục pháp lý cho dự án cần được đẩy nhanh và rút gọn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, chia sẻ, hiện doanh nghiệp chỉ mong có dự án để triển khai. Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt gỡ vướng thủ tục đầu tư các dự án chung cư ở các thành phố lớn, đặc biệt là nhà ở xã hội. Nguồn cung dự án đang thấp nhất trong 10 năm qua.
Ông Quê cho rằng, với các tỉnh, thành phố nóng về nhu cầu nhà ở như Hà Nội, TPHCM, nên thành lập các ban chỉ đạo tháo gỡ có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và một số bộ, ngành. Đặc biệt, Ủy ban kiểm tra, thanh tra Trung ương và cấp tỉnh cần có biện pháp thanh tra, xử lý đối với cán bộ, công chức xử lý chậm, không xử lý việc, nặng nhất xử lý hình sự do gây thiệt hại lớn, lãng phí lớn.
“Các dự án chậm, nguyên nhân chậm, trách nhiệm của ai phải được chỉ ra rõ để khắc phục. Điều này mới đẩy nhanh được nguồn cung cho thị trường trong thời gian sắp tới”, ông Quê đề xuất.
Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, theo thống kê năm 2023, nhà ở bình dân dần biến mất tại đô thị lớn nhất cả nước. Giá nhà tăng chóng mặt, biến Hà Nội thành một trong những nơi có giá nhà đắt đỏ và khó sở hữu nhất thế giới.
Theo ông Bình, Việt Nam chưa có định nghĩa trong các văn bản pháp luật nhưng các bên tham gia thị trường đều coi nhà có giá dưới 1.000 USD/m2 là nhà ở vừa túi tiền. Nghĩa là một căn hộ 65m2 tương đương 1,6 tỷ đồng. Chung cư giá này không còn tồn tại ở Hà Nội và TPHCM. Chuẩn giá nhà bình dân đã tăng 20-30%, xoay quanh 2 - 2,4 tỷ đồng/căn. Ông Bình đánh giá, thị trường bất động sản đang lệch pha cung cầu, vì thế khó bền vững.
Hàng trăm dự án bất động sản chờ gỡ vướng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện vẫn còn hàng trăm dự án bất động sản tiếp tục chờ tổ công tác và địa phương gỡ vướng. Hà Nội đứng đầu với 246 dự án, TPHCM 143, Cần Thơ 34, Bình Định 16 và Hải Phòng 4. Bộ Xây dựng vừa đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc gỡ vướng, và báo cáo tổ công tác của Thủ tướng trước ngày 30/6. Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp thúc đẩy cho vay tín dụng với các doanh nghiệp địa ốc. Với các doanh nghiệp, Bộ cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh phân khúc và giá bất động sản để tạo dòng vốn. Các chủ đầu tư cần cơ cấu lại nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm từng dự án, tránh đầu tư dàn trải, dở dang.
-
Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội