Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Diễn biến 'lạ' của cổ phiếu FPT sau đại hội cổ đông thường niên

Thứ tư, 16/04/2025 15:38 (GMT+7)

Dù đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng cổ phiếu FPT thời gian qua chịu áp lực bán mạnh. Chỉ trong quý I/2025, FPT bị bán ròng gần 6.900 tỷ đồng và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Riêng phiên 16/4, cổ phiếu công nghệ này nằm sàn.

Thị trường giao dịch phiên 16/4 chứng kiến tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư khi kết phiên, cả ba chỉ số của ba sàn đều giảm điểm. Trong đó VN-Index mất hơn 17 điểm, tương ứng giảm 1,42% về 1.210,30 điểm. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index cùng giảm chưa tới 1 điểm.

Xét trên sàn HOSE, có tổng 19.465 tỷ đồng đã được giao dịch, với 319 mã giảm, tương đương hơn 13.000 tỷ đồng được thực hiện. Trong khi sàn có 153 mã tăng giá với giá trị giao dịch hơn 4.300 tỷ đồng không đủ kéo chỉ số đi lên.

Trong đó, cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT tác động tiêu cực nhất lên chỉ số VN-Index khi chịu áp lực bán mạnh đến giảm sàn, trắng bên mua, về còn 107.900 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh gần 2.000 tỷ đồng. Mức giá giao dịch này đang rơi vào vùng thấp nhất của cổ phiếu FPT trong vòng một năm qua.

Cổ phiếu FPT giao dịch tiêu cực đã lấy đi gần 2,7 điểm của VN-Index. (Nguồn: Vietstock).

Ngoài FPT, hai mã họ Vin là VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes cũng kéo lùi chỉ số sàn HOSE, bên cạnh đó còn có VCB của Vietcombank, BID của BIDV, CTG của VietinBank,...

Cổ phiếu FPT giảm sâu sau khi tập đoàn vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025 ngày 15/4. Tại Đại hội, cổ đông FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho biết, kế hoạch này đã được HĐQT thông qua từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, do đó, FPT trình cổ đông uỷ quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2025 phù hợp với tình hình thế giới trong trường hợp cần thiết và được thông qua.

Đánh giá chung về tình hình kinh doanh, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT đánh giá 2025 là một năm khó khăn ngút trời và cơ hội không thể tưởng tượng được. Theo ông Bình, khó khăn đến từ các chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự thay đổi chính sách chóng mặt khiến doanh nghiệp không kịp xoay sở, thích ứng. Ngược lại, cơ hội đến từ những thay đổi mang tính cách mạng trong nội tại quốc gia hướng tới kỷ nguyên vươn mình.

“Trong quá khứ, chúng ta đã phải đối mặt với những thế lực mạnh không tưởng được và vượt qua. Lần này tôi cảm nhận cũng vậy, chúng ta sẽ vượt qua và vươn lên sánh ngang cùng các nước tiên tiến, phát triển. Chúng ta đi lên bằng con đường nào. Khoa học - Công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số. Với sức mạnh công nghệ như vậy chúng ta có thể thành những tổ chức cạnh tranh nhất”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Lãnh đạo FPT cho biết trong bối cảnh toàn cầu bất định, mục tiêu tăng trưởng 20% là một thách thức, nhưng đó là kỷ luật mà tập đoàn đặt ra. “Câu chuyện năm nay là phải ứng biến linh hoạt. Trong mọi hoàn cảnh phải tận dụng tối đa mọi cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng 20%. Không chỉ cho năm nay mà còn tạo đà cho những năm tiếp theo”, ông Bình nói.

Dù kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng, cổ phiếu FPT vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục. Áp lực bán mạnh tiếp tục đến từ khối ngoại. Chỉ trong quý I/2025, FPT bị bán ròng gần 6.900 tỷ đồng và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Hiện room ngoại đang “hở” khoảng 103-104 triệu đơn vị, tương đương 7% vốn điều lệ – mức hiếm thấy nếu so với giai đoạn 1 năm trước, khi room ngoại gần như luôn được lấp đầy nhanh chóng sau các nhịp “hở” ra.

Cổ phiếu FPT bị bán mạnh trong những tháng đầu năm, rơi về vùng giá thấp nhất 1 năm qua. (Nguồn: TradingView).

Một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn từng nắm giữ FPT là Pyn Elite Fund đã tiến hành thoái vốn trong quý I năm nay. Trong thư gửi nhà đầu tư cuối tháng 3, ông Petri Deryng – nhà điều hành quỹ – cho biết đã chốt lời toàn bộ các vị thế tại FPT (và cả CMC – Mã: CMG), sau giai đoạn cổ phiếu tăng trưởng mạnh. Ông cho rằng mức định giá hiện tại đã phản ánh quá nhiều kỳ vọng so với tiềm năng tăng trưởng thực tế.

Pyn Elite đánh giá, dù doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn giữ triển vọng tích cực trong dài hạn nhờ làn sóng chuyển đổi số, nhưng trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu này đối mặt với không ít thách thức. Cạnh tranh gay gắt hơn, chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) cao, cùng bất ổn kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ thắt chặt từ Fed có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ.

Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn