Điểm danh 92 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng
Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội vừa công bố danh sách 92 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo thống kê từ văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, tính đến ngày 23/8/2018 có 92 dự án do chủ đầu tưđang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.Hà Nội.
Nhiều chủ đầu tư tên tuổi bị nhắc tên trong danh sách này có thể kể đến như công ty Cổ phần Hải Phát, công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô, tập đoàn Geleximco, Gamuda Land Việt Nam, MBLand...
Cụ thể, công ty Cổ phần Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất (đất xây dựng nhà ở thấp tầng: Thửa BT+LK1+LK2+LK3) và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (gồm 59 căn nhà ở thấp tầng), thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là công trình hỗn hợp cao tầng tại dự án Đầu tư xây dựng Tổng hợp Thương mại, Dịch vụ và Căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm).
Hải Phát cũng đang thế chấp tài sản với đất hình thành trong tương lai tại Phú Lãm, quận Hà Đông.
Tập đoàn Geleximco đang thế chấp hàng loạt dự án như: Thế chấp quyền sử dụng đất Khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội (quận Hà Đông) và xã La Phù, huyện Hoài Đức; Thế chấp quyền sử dụng 45 thửa đất Khu đô thị hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội (quận Hà Đông); Thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất thửa 04,49, 33, 09,43, 21, 16, 07, 28, 37, 43, xã An Khánh (huyện Hoài Đức); Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai tại ô quy hoạch Cl 1/ODK2 (ô CTI, CT2, CT3 và NV1) phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) với việc thế chấp 464 căn hộ…
Công ty CP Địa ốc MB thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai Lô 1 .A.IV thuộc quỹ đất xây dựng công trình công cộng hỗn hợp KĐTM Mỹ Đình 1 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).
Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam cũng đang thế chấp quyền sử dụng đất TT14 đến TT20, TT23, TT26, TT41, TT42, CC4, CC6 dự án KDDTM C2 phường Yên Sở và Trần Phú, quận Hoàng Mai.
Đáng chú ý, công ty CP Công Đà 1.01 và công ty CP Ecoland còn thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview, số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội (không bao gồm phần tài sản là 8.609m2 sàn và các lợi ích khác của tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam). Theo dự kiến, dự án Eco Lakeview sẽ bàn giao nhà cho khách hàng trong tháng 10 tới đây.
Riêng công ty CP và thương mại Thủ Đô thế chấp dự án xây dựng khu nhà ở CT1 Phúc Lợi (Ecohome Phúc Lợi), quận Long Biên. Tài sản thế chấp tại dự án này đến ngày 7/7/2018 còn lại 87/680 căn hộ.
Cụ thể, công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường thế chấp bằng quyền sử dụng đất các thửa đất số 92, 78, 64, 186, 156, 192, 200, 177, 198, 206, 222, 227, 229, 234, 244, 242, 217, 174, 138, 120, 246, 245, 150, 54, 71, 254, 164 thửa KĐTM Dương Nội (khu A) phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Gây bất ngờ trong danh sách này là phẩm đầu tay của công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình cũng được doanh nghiệp này thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu nhà ở thấp tầng thuộc dự án tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora 53 Triều Khúc (quận Thanh Xuân). Hiện tại, nhà liền kề dự án này đã bàn giao cho người dân vào ở, kinh doanh.
Liên quan đến việc thế chấp dự án tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, theo khoản 1, Điều 147 của luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tuy nhiên, trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ đã được cầm cố.
Việc nắm bắt được những dự án nào đang bị thế chấp ngân hàng giúp khách hàng có thêm thông tin trước khi quyết định đầu tư vào dự án đó. Bởi vì, chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp ngân hàng được cho là chuyện bình thường và không phạm luật. Tuy nhiên nếu mua nhà tại các dự án bị thế chấp, khách hàng không may có thể rơi vào tình huống dở khóc dở cười ví dụ như dài cổ chờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chuyên gia kinh tế - TS.Đinh Thế Hiển khuyến cáo, trước khi giao dịch người mua cần tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án như đã đủ điều kiện mở bán hay chưa? Có được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính hay không? Hay dự án có đang bị thế chấp tại ngân hàng nào không?
Việc xác minh này đúng ra là nghiệp vụ của ngân hàng nhưng theo ông Hiển, trên thực tế vẫn có ngân hàng “ngó lơ” để chủ dự án bán tài sản đã thế chấp. Thậm chí có trường hợp chủ đầu tư hai lần mang tài sản đi thế chấp rồi lại bán cho người dân. Cuối cùng người mua nhà vẫn là bên chịu thiệt thòi nhất.
H.Y
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội