Dân chung cư Sài Gòn khốn khổ vì ô nhiễm
Người dân nhiều chung cư tại TP.HCM phải sống trong cảnh khốn khổ với ô nhiễm do các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ra. Ô nhiễm cũng khiến cho một số cư dân phải cho thuê, thậm chí phải bán rẻ căn hộ của mình để tìm dự án khác.
Liên tục kêu cứu
Dự án Him Lam Phú An trên đường Thủy Lợi, Q.9, TP.HCM, bàn giao nhà cho cư dân từ tháng 12/2018. Tuy nhiên, khi chuyển về đây nhiều căn hộ ở block C và D bị ảnh hưởng nặng nề từ Nhà máy Giấy Xuân Đức.
Anh H., cư dân thuộc block D cho biết: “Nhà máy liên tục xả khói đen nên mỗi khi gió thổi về phía chung cư là toàn bộ khói bay thẳng vào nhà. Mùi khói hết sức khó chịu, nhiều cư dân đã phải bán căn hộ hoặc cho thuê để đi ở chỗ khác”.
Được biết nhà máy giấy này đã hết thời gian thuê đất hoạt động, cũng vừa bị phạt hơn 200 triệu đồng vì sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tới ngày 23/1/2019 doanh nghiệp này có văn bản gửi phòng Tài nguyên Môi trường Q.9 xin tiếp tục được hoạt động.
Tương tự, cư dân dự án Ehome 3 (Q. Bình Tân) cũng khốn khổ bởi tình trạng ô nhiễm do nhà máy của Công ty TNHH Top Royal Flash Việt Nam xả bụi vải bay thẳng vào các căn hộ tại dự án.
Cư dân khu chung cư này phải liên tục gửi đơn phản ánh về tình trạng ô nhiễm thì chính quyền sở tại mới vào cuộc kiểm tra. Kết quả kiểm tra từ Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thành phố cho thấy có hiện tượng bụi tại khu vực đóng gói sản xuất của Công ty Top Royal Flash Việt Nam và mẫu bông cỏ tại khu đất trống đối diện chung cư Ehome 3 đúng như các cư dân phản ánh. Tình trạng này sau đó được cải thiện đáng kể nhưng cư dân nơi đây vẫn không thể yên tâm.
Tại khu Nam TP.HCM, người dân liên tục sống trong cảnh ô nhiễm môi trường bởi mùi hôi, thối bốc lên từ nhà máy xử lý rác Đa Phước tại huyện Bình Chánh TP.HCM. Cũng chính vì ô nhiễm mà theo giới phân tích và lãnh đạo các doanh nghiệp thì thị trường bất động sản bị ảnh hưởng lớn. Người dân cũng ngại về đây sinh sống bởi năm nào cũng bị mùi hôi thối bao vây, đặc biệt những căn hộ chung cư bị ảnh hưởng nặng nhất.
Ngoài ra, hàng loạt khu chung cư khác như: Chung cư Peridot (Q.8) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơ sở sản xuất nhựa, chung cư Tín Phong (Q.12) bị khói từ cơ sở sản xuất của CTCP May Phương Đông hành hạ.
Chờ đợi hướng xử lý
Về phía chính quyền, từ năm 2002, TP.HCM đã có kế hoạch di dời hơn 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp và vùng phụ cận. Tuy nhiên, kế hoạch này kết thúc vào năm 2005 mà không mang lại nhiều kết quả. Tính đến năm 2015, trên địa bàn thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Việc chậm trễ trong công tác di dời khiến lãnh đạo TP.HCM hết sức quan ngại.
Tháng 12/2016, UBND TP.HCM có Quyết định số 6762/QĐ-UBND về kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Chính quyền TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động mới, đặt mục tiêu đến năm 2020 thành phố không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư.
Tuy nhiên, tới nay đã gần kết thúc kế hoạch trên nhưng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong thành phố vẫn chưa được bao nhiêu.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lý giải: “Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa chủ động di dời theo đúng nội dung, tiến độ đề ra và thường xin gia hạn thời gian di dời để hoàn tất các hợp đồng giao dịch với khách hàng, giải quyết các khoản nợ tài chính, ngân hàng, lương công nhân. Thậm chí, có cơ sở còn đối phó bằng cách đóng cửa nhà xưởng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát việc hoàn thành di dời hay chưa”.
Về phía các chủ đầu tư dự án bất động sản, việc các cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm gần dự án khiến họ hết sức đau đầu để giải quyết. Lãnh đạo Him Lam Land cho biết: “Đối với các dự án của công ty thì khi bàn giao có phản ánh của cư dân đều được chúng tôi tiếp thu tìm hướng xử lý. Tại dự án Him Lam Phú An, tình trạng ô nhiễm do nhà máy gần đó gây ra là có, trong các cuộc họp với chính quyền địa phương chúng tôi đã đề nghị kiểm tra và có hướng xử lý, chứ công ty không thể trực tiếp yêu cầu hay buộc nhà máy ô nhiễm di dời”.
“Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi việc xử lý của chính quyền với cơ sở ô nhiễm này để có phương án đề xuất hỗ trợ cư dân” - đại diện Him Lam Land cho biết.
Trước đó nhiều chủ đầu tư cũng phải cầu cứu cơ quan chức năng để xử lý những điểm ô nhiễm này, thậm chí có chủ đầu tư bỏ ra số tiền hàng chục tỷ để cùng quận giải quyết những điểm trung chuyển rác thải, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm ra nơi khác để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, nhưng tất cả đều vô vọng.
Tình trạng chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm đã gây ảnh hưởng khá lớn tới đời sống người dân. Trong đó có những dự án khi bàn giao nhà, vì cơ sở gây ô nhiễm mà người dân không thể về ở. Nhiều khách hàng đã bán tháo sản phẩm, kiện cáo và thậm chí từ mặt căn hộ chung cư. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường địa ốc.
Cần quyết liệt di dời nhà máy gây ô nhiễm
Theo luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong việc xử lý, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu dân cư để cải thiện chất lượng cuộc sống, giải quyết những bức xúc kéo dài của cư dân. Đối với các cơ sở sản xuất chưa di dời, hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã được quy định rõ trong Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, nhưng chưa đủ sức răn đe, cần phải nâng cao hình phạt để xử lý các chủ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm này.
Nguyên Vũ
-
Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội