Công Phượng có phù hợp để đá chính ở trận gặp Olympic Syria?
Là người ghi bàn duy nhất giúp đội tuyển Olympic Việt Nam đánh bại Olympic Bahrain để vào tứ kết bóng đá nam Asiad 2018, nhưng ngay cả khi đó, Công Phượng vẫn chưa chắc có suất đá chính ở trận đấu với Syria (19h30 ngày 27/8), xuất phát từ yêu cầu chiến thuật.
Bàn thắng của Công Phượng vào lưới Bahrain là một bàn thắng đẹp và có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm nằm ở chỗ Công Phượng hợp với vai trò của một “quân cờ trong tay áo”, được tung vào sân ở những thời điểm cần thiết, khi đối phương mất tập trung, hay hợp cho việc xuất hiện ngay từ đầu?
Đặt trường hợp Công Phượng đá ngay từ đầu ở trận đấu với Bahrain, liệu cầu thủ này sau khi căng sức từ đầu trận với các hậu vệ cao lớn, giàu thể lực của đối thủ, có còn đủ nhanh để xuất hiện ngay điểm nóng như đã xuất hiện ở cuối trận Olympic Việt Nam – Bahrain hay không?
Một ví dụ khác từng có ở trận đấu giữa Olympic Việt Nam gặp Pakistan tại vòng bảng. Đối thủ không mạnh, nhưng Công Phượng cũng không quá chói sáng trong trận đấu đấy, khi bắt đầu trận đấu từ vị trí chính thức.
Cũng riêng trong trận gặp Pakistan, ngôi sao của CLB HA Gia Lai suýt chút nữa thành tâm điểm của khủng hoảng, với 2 pha đá phạt đền liên tục không thành công.
Điểm yếu của Công Phượng vẫn là tính ổn định thấp. Khi khát khao chứng tỏ năng lực bản thân, khi đạt đến tâm lý hưng phấn, Công Phượng có thể tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt. Ngược lại, lúc tâm lý bị ức chế, Công Phượng như… người thừa trên sân.
Điểm yếu khác của Công Phượng là khả năng phòng ngự bước 1 kém. Đặt trường hợp các đội bóng sở hữu Công Phượng đang trong lúc không nhất thiết phải quyết ghi bàn ngay từ đầu, nhất là trước các đối thủ mạnh, khi đội bóng sở hữu Công Phượng chưa đến lúc buộc phải dâng cao, sử dụng Công Phượng có khi lại làm phí mất một cầu thủ biết cách gây áp lực cho đối phương lúc toàn đội phải chơi không bóng.
Đấy là lý do mà HLV Park Hang Seo thường phải tính toán rất kỹ thời điểm ông sử dụng Công Phượng. Vả lại, nói theo quan điểm của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh thì dự bị hay chính thức không nói nên tầm quan trọng của một cầu thủ, mà đôi khi chỉ khác biệt ở thời điểm mà cầu thủ bắt đầu trận đấu.
Ngồi dự bị không có nghĩa là không đóng góp gì cho đội bóng, chỉ đơn giản là đóng góp lúc nào và đóng góp ra sao.
Nhìn rộng ra bình diện quốc tế, không thiếu các ngôi sao thích hợp với việc gây đột biến lúc được tung vào sân từ băng ghế dự bị, hơn là bắt đầu trận đấu trong đội hình xuất quân. Số này có tiền đạo Ole Gunnar Solskjaer ở Manchester United cách nay nhiều năm, hoặc “cậu bé vàng thành Turin” Alessandro Del Piero trong sắc áo đội tuyển Italia tại World Cup 2006.
Họ ngồi dự bị không phải vì họ không hay bằng, hoặc không quan trọng bằng những cầu thủ đá chính thức. Mà họ không ra sân ngay từ đầu trận chỉ đơn giản là vì họ thích hợp hơn cho việc chọn đúng thời điểm để vào sân rồi gây đột biến!
Thành ra, cũng đừng lạ khi Công Phượng sau bàn thắng vào lưới Bahrain tiếp tục không đá chính ở trận gặp Syria. Bởi, dù có đá chính hay ngồi dự bị thì Công Phượng vẫn là cầu thủ quan trọng của đội tuyển Olympic Việt Nam, vẫn là một nhân tố đáng theo dõi của bóng đá nội, vẫn có thể có những đóng góp rất quan trọng!
Kim Điền
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch