“Chiếc ghế” Chủ tịch HĐQT Eximbank: Vì sao bà Lương Thị Cẩm Tú được chọn thay ông Lê Minh Quốc?

Thứ hai, 08/04/2019, 15:50 PM

Cuối tháng 3 năm nay, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bất ngờ công bố bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào “chiếc ghế” Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc. Eximbank đã đưa ra lời giải thích cho sự thay đổi này, còn trên thực tế, nguyên nhân đó là gì?

Trong 3 năm ông Lê Minh Quốc (SN 1951) giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank, hoạt động tiền gửi và tín dụng chỉ tăng lần lượt 31% và 23%. (Ảnh: Trần Phong).

Trong 3 năm ông Lê Minh Quốc (SN 1951) giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank, hoạt động tiền gửi và tín dụng chỉ tăng lần lượt 31% và 23%. (Ảnh: Trần Phong).

Thay “tướng” vì lợi ích của khách hàng và cổ đông

Ngày 22/3/2019, Eximbank đã ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 6 (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập.

Eximbank khẳng định để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, ngân hàng đã đánh giá, sàng lọc các ứng viên một cách công khai, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối hệ thống quy phạm pháp luật có liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT.

Eximbank cho rằng là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam sử dụng các công cụ đánh giá độc lập theo chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu rất tích cực phản ánh kỳ vọng đạt tới sự chuẩn mực, minh bạch và chuyên nghiệp của Eximbank trong quản trị điều hành.

Giải thích cho quyết định đưa bà Lương Thị Cẩm Tú vào “ghế nóng”, Eximbank cho biết bà Lương Thị Cẩm Tú tham gia Eximbank với tư cách là thành viên HĐQT từ tháng 4/2018. Mặc dù thời gian gia nhập chưa lâu nhưng những đóng góp của bà Lương Thị Cẩm Tú đối với sự ổn định và phát triển của Eximbank trong thời gian qua là hết sức thiết thực và kịp thời.

Quyết định bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, HĐQT Eximbank đã thể hiện sự thống nhất, đồng lòng và đoàn kết trong việc hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo của ngân hàng, vì sự phát triển ổn định nội bộ, vì lợi ích của khách hàng và cổ đông.

Eximbank chuyển biến chậm

Eximbank chỉ đưa ra lý do chọn bà Lương Thị Cẩm Tú mà không giải thích tại sao không còn tin dùng ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, dựa vào kết quả kinh doanh chuyển biến chậm chạp của Eximbank, có thể thấy, ngân hàng này thực sự đang cần một làn gió mới, một cú hích mới.

Ông Lê Minh Quốc được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank từ ngày 17/12/2015. Điều đó có nghĩa Eximbank đã có 3 năm dưới “triều đại” ông Lê Minh Quốc. Trong 3 năm này, Eximbank chuyển biến chậm chạp và bị các đối thủ như VPBank, Techcombank, VIB)... bỏ xa.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của Eximbank đạt 152.652 tỷ đồng, tăng 40.947 tỷ đồng, tương ứng 36,7%, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 9.933 tỷ đồng, tăng 1.332 tỷ đồng, tương ứng 15,5% so với năm 2015.

Trong khi đó, tại Techcombank, chỉ tiêu tổng tài sản và thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 67,2% và 58,1%. Tại VPBank, tốc độ tăng trưởng của 2 chỉ tiêu này lần lượt là 66,8% và 115%.

Về hiệu quả sử dụng vốn, Eximbank dưới thời ông Lê Minh Quốc cũng thua xa Techcombank hay VPBank. Cách đây 3 năm, vốn điều lệ của VPBank chỉ bằng 70% vốn điều lệ của Eximbank. Nhưng tới nay, vốn của VPBank đã cao gấp đôi Eximbank. Đáng chú ý hơn, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của VPBank đạt tới 7.356 tỷ đồng, cao gấp 11 lần Eximbank.

Về lợi nhuận, Eximbank không chỉ bị VPBank bỏ ra, ngân hàng này còn lép vế hoàn toàn so với Techcombank, VIB, MBB... Trong khi lợi nhuận ỳ ạch so với đối thủ, Eximbank còn khiến cổ đông lo sốt vó hơn bởi nợ xấu lại có xu hướng gia tăng. Sau 3 năm, nợ xấu tại Eximbank tăng từ 1.575 tỷ đồng lên 1.920 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm toán 2018, Công ty TNHH KPMG nhấn mạnh khoản 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng dùng gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank làm tài sản bảo đảm.

Có thể thấy, dưới “triều đại” của ông Lê Minh Quốc, Eximbank chuyển biến rất chậm chạp so với bản thân ngân hàng và thụt lùi quá mạnh so với nhiều đối thủ khác. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu cổ đông “sốt ruột” với nhân sự cấp cao.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank từ ngày 22/3. (Ảnh: Nguyễn Như).

Bà Lương Thị Cẩm Tú được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank từ ngày 22/3. (Ảnh: Nguyễn Như).

Kỳ vọng lớn đặt vào bà Lương Thị Cẩm Tú

Không khó để nhận ra Eximbank cần một “làn gió mới” nếu không muốn tiếp tục thụt lùi sâu hơn nữa trước các đối thủ. Vì vậy, việc thay ông Lê Minh Quốc ở một góc độ nào đó có thể khiến cổ đông không quá bất ngờ. Và câu hỏi được nhiều người đặt ra chính là bà Lương Thị Cẩm Tú có thể đáp ứng được kỳ vọng đổi mới Eximbank hay không.

Bà Lương Thị Cẩm Tú không phải cái tên xa lạ với Eximbank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Trước khi bước chân vào Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc Nam A Bank.

Trở thành Tổng Giám đốc Nam A Bank ở độ tuổi rất trẻ (35 tuổi) nhưng bà Lương Thị Cẩm Tú đã có đóng góp rất lớn cho ngân hàng này. Dưới sự chèo lái của bà, Nam A Bank có nhiều bước tiến vượt bậc.

Sau 3 năm (2015-2017) “cầm lái” Nam A Bank, bà Lương Thị Cẩm Tú giúp tổng tài sản Nam A Bank tăng 17.147 tỷ đồng, tương đương 46% lên 54.440 tỷ đồng. Đây là mức tăng tương đối lớn với một ngân hàng.

Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng là huy động vốn và tăng trưởng tín dụng đều rất khả quan. Cụ thể, tiền gửi khách hàng tăng 19.542 tỷ đồng, tương ứng 96% lên 39.861 tỷ đồng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng tăng 19.791 tỷ đồng, tương ứng 126%.

Với việc tăng trưởng tín dụng lên tới 126%, có thể thấy, bà Lương Thị Cẩm Tú đã giải được bài toán khó nhất (hoạt động cho vay) tại Nam A Bank. Mà với một ngân hàng, tín dụng là phần cốt lõi nhất.

Các chỉ tiêu kinh doanh tốt nên dưới thời kỳ của bà Lương Thị Cẩm Tú, Nam A Bank gặt hái được lợi nhuận cao. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 của ngân hàng này đạt 239 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng, tương ứng 28% so với năm 2014.

Với những thành tích lớn đã đạt được tại Nam A Bank, bà Lương Thị Cẩm Tú được trao trọn niềm tin khi ngồi vào “ghế nóng” Eximbank. Còn một điều thú vị nữa chính là bà Lương Thị Cẩm Tú đã trở thành nữ Chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ nhất Việt Nam.

LAN HƯƠNG

Theo NTD