Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

‘Chia tay bóc phốt’: Hành xử kém văn minh hay cần thiết để cảnh báo người đến sau?

Thứ tư, 26/03/2025 06:53 (GMT+7)

Trào lưu "bóc phốt" hậu chia tay ngày càng phổ biến trên mạng xã hội, đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa tự do ngôn luận và xâm phạm đời tư, giữa hành vi thiếu văn minh và nhu cầu cảnh báo con người.

Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, "chia tay bóc phốt" đã trở thành một hiện tượng không còn xa lạ, đặc biệt trong giới trẻ. Thay vì khép lại mối quan hệ một cách văn minh và riêng tư, nhiều người lựa chọn phơi bày những góc khuất, bí mật, thậm chí là những câu chuyện thầm kín của người yêu cũ lên mạng xã hội. Hành động này, dù được ngụy biện dưới nhiều lý do nhưng vẫn gây ra những tranh cãi gay gắt về tính văn minh, đạo đức và tác động tiêu cực đến cả người trong cuộc lẫn cộng đồng mạng.

Liệu "chia tay bóc phốt" chỉ là một hành vi kém văn minh, thể hiện sự non nớt trong ứng xử, hay hành động đó mang mục đích "cao cả" hơn là cảnh báo những người đến sau?

Ồn ào giữa VirusS, Ngọc Kem, Pháo gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua. Ảnh: FBNV.

Những câu chuyện "đấu tố" không có hồi kết

Mấy ngày qua, mạng xã hội thi nhau chia sẻ câu chuyện về những người trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội liên tục "bóc phốt", "đấu tố" qua lại với người yêu cũ. Đáng nói, câu chuyện yêu đương của cặp đôi đã không còn là riêng tư mà bỗng dưng được "phơi bày" cho hàng triệu người dùng mạng xã hội. Nhiều người trẻ thậm chí phàn nàn "không thể tập trung làm việc gì" vì phải "hit drama" quá nhiều trên mạng xã hội suốt tháng vừa qua.

Câu chuyện kể trên không còn lạ lẫm trong xã hội hiện đại ngày nay. Giới trẻ lớn lên trong kỷ nguyên số, họ có xu hướng chia sẻ mọi khía cạnh của đời tư lên mạng, từ niềm vui, nỗi buồn đến cả những mâu thuẫn trong tình yêu. Khi chia tay, sự thất vọng, tức giận và tổn thương khiến nhiều người tìm đến mạng xã hội như một nơi để trút giận, tìm kiếm sự đồng cảm và phán xét từ cộng đồng mạng. Một số người trẻ tin rằng, việc "bóc phốt" sẽ giúp họ "giải tỏa" cảm xúc tiêu cực, đồng thời nhận được sự ủng hộ, bênh vực từ đám đông.

Mạng xã hội vẫn nhan nhản chia sẻ về những cuộc "đấu tố" không có hồi kết. Hậu chia tay, nhiều người công khai tin nhắn riêng tư, bí mật cá nhân. Người khác thì kể lể tố cáo tật xấu của đối phương. Thậm chí, có nhiều người đăng ảnh, video nhạy cảm của người yêu cũ lên mạng xã hội, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ vậy, những người mang tâm lý "nạn nhân" còn lôi kéo bạn bè, người thân vào cuộc "ném đá" của mình, tạo thành một làn sóng tấn công mạng gây ảnh hưởng mạnh tới cả đôi bên. Mạng xã hội bỗng trở thành "thẩm phán" và "tòa án" của công chúng.

Chia sẻ quan điểm về việc này, Hải Yến (30 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho hay, cô ủng hộ việc "bóc phốt" người cũ nếu họ có những hành động gây hại cho người khác. Mục đích của việc đó với Hải Yến chỉ là cảnh báo người đến sau.

"Với tôi, nếu biết một người có tư cách không ra gì thì cần phải lên tiếng cảnh báo cho những người khác. Bạn không thể im lặng khi biết đó là một người xấu, thường xuyên lừa dối tình cảm, trăng hoa, bạo hành thể chất hoặc tinh thần người khác. Họ xứng đáng bị nhắc tới để cảnh báo", Hải Yến bày tỏ quan điểm.

Nhiều người đồng tình quan điểm "bóc phốt" người cũ để cảnh báo người đến sau. Ảnh: Thu Linh.

Cùng quan điểm với Hải Yến, Thu Linh (27 tuổi, Hà Nội) cho hay, cô thấy việc "bóc mẽ người cũ" không có gì là lạ trong thời đại này.

"Thế hệ trẻ luôn sòng phẳng trong mọi chuyện, kể cả trong chuyện tình cảm. Họ không bao giờ muốn chịu đựng một sự bất công nào. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, tôi hiểu chứ không cổ súy việc này", Thu Linh bày tỏ quan điểm.

Một lý do khác khiến nhiều người "chia tay bóc phốt người cũ" là do họ non nớt và thiếu kỹ năng giải quyết xung đột. "Nhiều bạn trẻ chưa có đủ kinh nghiệm và kỹ năng để xử lý những vấn đề phức tạp trong mối quan hệ, đặc biệt là khi chia tay. Thay vì đối diện trực tiếp và giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh, họ chọn cách 'bóc phốt' trên mạng xã hội như một cách để né tránh đối diện, hoặc đơn giản là không biết cách nào khác để bày tỏ sự bất mãn và tổn thương", Thu Hường (giáo viên dạy Văn tại Hà Nội) chia sẻ quan điểm.

Hành vi kém văn minh, vạch áo cho người xem lưng

Hành vi "bóc phốt" người yêu cũ trên mạng xã hội tưởng chừng chỉ là chuyện lúc tức giận nhưng thể hiện rõ sự kém văn minh và có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực.

Việc phơi bày những bí mật, những thông tin cá nhân nhạy cảm của người yêu cũ lên mạng xã hội là hành vi kém văn minh, đôi khi là vi phạm pháp luật.

Việc đấu tố nhau cũng khiến lan truyền s tiêu cực và văn hóa "ném đá hội đồng", tạo ra một không khí độc hại trên mạng. Cộng đồng mạng dễ dàng bị cuốn vào những câu chuyện "drama", hùa theo "ném đá" người bị "bóc phốt" mà chưa rõ thực hư câu chuyện ra sao. Điều này tạo ra một văn hóa "bạo lực mạng", nơi con người dễ dàng bị phán xét, lên án và tổn thương.

Hậu quả của "chia tay bóc phốt" là vô cùng nặng nề và kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến người bị "bóc phốt" mà còn tác động tiêu cực đến cả người "bóc phốt" và những người xung quanh.

Hoài Thương - sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Thanh Hà (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, cô không đồng tình với quan điểm "bóc mẽ người cũ" để cảnh báo những người đến sau.

"Tôi thấy, việc 'bóc phốt người cũ' thường xuất phát từ động cơ cá nhân tiêu cực. Đa phần đều xuất phát từ sự tức giận hoặc đơn giản là muốn kể lể để giải tỏa cảm xúc cá nhân. Mục đích 'cảnh báo' chỉ là một cái cớ ngụy biện, che đậy động cơ thực sự ích kỷ và thiếu văn minh", Thanh Hà bày tỏ.

Đồng tình với Thanh Hà, Hoài Thương (sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội) cho hay, những thông tin "bóc phốt người cũ" thường thiếu khách quan. Việc lên mạng bêu rếu người cũ chỉ mang tính chất “vạch áo cho người xem lưng”.

"Khi 'bóc phốt', người ta thường chỉ tập trung vào những khuyết điểm, lỗi lầm của người yêu cũ, bỏ qua những khía cạnh tích cực và bối cảnh của câu chuyện. Thông tin được đưa ra thường mang tính chủ quan, bị phóng đại, thậm chí là bịa đặt để tạo hiệu ứng "drama". Do đó, những thông tin này không đáng tin cậy và không thể được coi là 'cảnh báo' khách quan", nữ sinh viên chia sẻ quan điểm.

Ngoài ra, Hoài Thương cũng gợi ý những cách văn minh và hiệu quả hơn để "cảnh báo" như chia sẻ kinh nghiệm cá nhân kín đáo với những người thân thiết, hoặc người bạn muốn cảnh báo. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tìm tới chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ và đưa ra lời khuyên phù hợp trong từng hoàn cảnh.

Hoài Thương cho hay, cô cũng từng có vài mối tình nhưng chọn cách hành xử văn minh, chia tay trong êm đẹp dù lỗi lầm thuộc về mình hay đối phương.

"Tôi chọn cách đối thoại trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn bởi đây là chuyện của hai người. Nếu không tìm thấy tiếng nói chung, việc chia tay là điều càng đúng đắn. Thay vì nói xấu người cũ, tôi tập trung vào việc chăm sóc bản thân, hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống. Không có gì là không thể thay thế và không có nỗi đau nào mà không thể vượt qua, quan điểm của tôi là vậy", Hoài Thương bày tỏ.

"Chia tay bóc phốt" là một hành vi kém văn minh, gây ra những hậu quả tiêu cực cho cả người trong cuộc lẫn cộng đồng mạng. Dù được ngụy biện dưới bất kỳ lý do nào, nó vẫn không thể che đậy sự non nớt, ích kỷ và thiếu tôn trọng của người thực hiện. Thay vì lựa chọn "bóc phốt", chúng ta nên học cách hành xử văn minh, tôn trọng quyền riêng tư, danh dự của người khác, đồng thời tập trung vào việc chữa lành, bước tiếp sau chia tay. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự trưởng thành, xây dựng được những mối quan hệ lành mạnh, tích cực trong cuộc sống.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn