Cảnh báo lừa đảo từ sàn tiền ảo

Thứ hai, 10/01/2022, 13:03 PM

Dù ngành công an đã nhiều lần cảnh báo về các sàn giao dịch tiền ảo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thế nhưng loại tội phạm này vẫn hoạt động phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Nhiều người vì ham lợi nhuận cao nên lọt vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, dẫn tới mất hàng chục tỷ đồng.

Dựng tỷ phú “dỏm” 

Cuối tháng 12-2021, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Minh Tuấn (còn gọi là Tony Trần, SN 1985, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM), Hán Hữu Hải (hay gọi là Henry, SN 1986, ngụ tỉnh Phú Thọ) và Trần Lê Phạm Trung (còn gọi là Evans Trung Trần, SN 1987, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cả ba được xác định đã cấu kết với một số đối tượng khác thông qua sàn giao dịch tiền ảo lừa đảo hơn 160 người, chiếm đoạt khoảng 35 tỷ đồng. Trước đó 1 tháng, Công an TPHCM đã triệt phá thành công đường dây đánh bạc hơn 3,8 tỷ USD (khoảng 87.612 tỷ đồng) theo dạng đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo. 

Quá trình điều tra, Công an TPHCM đã bóc gỡ những mánh khóe “lùa gà” của các sàn đầu tư tiền ảo. Theo đó, lúc đầu, các đối tượng sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo. Nhà đầu tư sẽ không mất phí tham dự nhưng có cơ hội quay số may mắn trúng thưởng, thậm chí có quà mang về. Người chơi khi mới tham gia sẽ được các chủ sàn “nhả” cho thắng liên tục. Thấy dễ dàng kiếm được tiền, nhà đầu tư kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia.

Lúc này, các chủ sàn sẽ lấy tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước. Cứ như vậy, các chủ sàn không mất tiền vẫn được quảng bá sàn miễn phí. Từ đó, có hàng trăm thậm chí hàng ngàn người biết đến và tham gia vào sàn đầu tư. Để tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư, các nhóm này lập sàn tiền ảo có tên gần giống với sàn của các tỷ phú nước ngoài. Với những người ít kinh nghiệm, họ dễ lầm tưởng sàn này của những người uy tín, từ đó rót vốn vào để đầu tư. 

Nhóm đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc gần 4 tỷ USD sa lưới (ảnh do công an cung cấp)

Nhóm đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc gần 4 tỷ USD sa lưới (ảnh do công an cung cấp)

Một chiêu trò khác mà các nhóm lừa đảo thường áp dụng, đó là đối tượng sẽ dựng lên các nhân vật tỷ phú nước ngoài nắm trong tay nhiều tập đoàn lớn, mà thực chất là những tỷ phú “dỏm” - những người lao động bình thường, thậm chí thất nghiệp. Tỷ phú “dỏm” sẽ được các đối tượng đưa đi ăn uống tại nhiều nhà hàng sang trọng, các địa điểm nổi tiếng trên thế giới chụp ảnh, ghi hình để tạo vỏ bọc hoàn hảo.

Các tỷ phú này được giới thiệu rầm rộ trong các hội, nhóm mà chúng lập ra và đưa đến các hội nghị, hội thảo ra mắt nhà đầu tư. Khi “tỷ phú thế giới” xuất hiện và bảo hộ cho các sàn tiền ảo, người chơi sẽ dễ dàng tin tưởng và mạnh tay xuống tiền. Nhóm còn đưa ra các gói bảo hiểm hứa hẹn sẽ được hoàn tiền nếu chơi thua để thu hút người tham gia.

Tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam 

Chị N.T.N.V. (SN 1990, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, tháng 6-2021, chị được một người bạn giới thiệu tham gia sàn điện tử W. có bảo hiểm. Người bạn này gửi link trang web cho chị V. qua mạng xã hội Telegram để tạo tài khoản kinh doanh tiền ảo và sử dụng tài khoản ngân hàng mua USDT (loại tiền ảo của sàn giao dịch). Sau khi được chỉ dẫn của bạn, chị V. tiếp tục chuyển USDT vào ví của sàn W. với mục đích chuyển thành đồng Gold (1 USD = 1USDT = 1 Gold).

Người bạn của chị V. chỉ dẫn, nếu chị này mua gói bảo hiểm 4%/tuần thì sẽ có mức lãi là 8%/tuần vì chủ sàn cam kết sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư đạt mức lợi nhuận là 12%. Thậm chí, nếu chơi thua sẽ được hoàn lại tiền. Quá trình tham gia chơi, chị V. được mời vào nhiều nhóm để quảng cáo về lợi nhuận sàn điện tử này. Trong những ngày đầu tham gia, chị V. luôn thắng. 

Chỉ vài tháng, chị V. đầu tư hàng trăm USD vào sàn. Đến tháng 10-2021, sàn chị V. chơi bị khóa, chị liên hệ với người bạn hỏi thì người này cũng không rút được tiền giống như chị. Nhiều người trong nhánh của chị V. cũng bị tương tự. Sau đó, chị V. và người bạn đã tới công an trình báo.

Công an TPHCM cho biết, mặc dù nhiều đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch tiền ảo đã bị đơn vị liên tiếp đánh sập, tuy nhiên, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.

Trung tá Võ Duy Thắng, Đội trưởng Hình sự đặc nhiệm Phòng PC02 (Công an TPHCM), cho biết, người dân cần hiểu đã là ảo thì chắc chắn không thật. Việc quy đổi tiền mặt sang 1 đồng tiền khác mà không được 1 quốc gia nào bảo trợ đã là sự đánh cược với mức rủi ro quá lớn. 

Trao đổi về các sàn tiền ảo với dấu hiệu lừa đảo vừa bị triệt phá, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, tại khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Mặt khác, tại khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này. Như vậy về giá trị pháp lý, tiền kỹ thuật số hay tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam.

“Chơi “Xanh - Đỏ” trên mạng, nếu số tiền trên 5 triệu đồng sẽ bị truy tố về hành vi đánh bạc. Nhiều người do thiếu thông tin, ít hiểu biết quy định pháp luật nên dù trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo, họ cũng là người vi phạm pháp luật”, đại diện Công an TPHCM lưu ý.

CHÍ THẠCH

Theo sggp.org.vn