Cái bẫy của sự an nhàn

Thứ ba, 07/03/2023, 11:15 AM

Một lần lướt mạng tôi gặp hình ảnh của Taylor Lautner – diễn viên điển trai trong The Twilight Saga. Nhiều người bất ngờ vì anh không còn là người sói săn chắc, nam tính mà thay vào đó là một “ông chú” có phần mập mạp, đứng tuổi. Một độc giả đã bình luận “đúng là cái bẫy của sự an nhàn”.

KTSG_Cai-bay-1

Cái bẫy an nhàn đang giăng ra khắp nơi. Một người hàng xóm khá giả của tôi than thở: Thế hệ con cái của anh em mình thụ động quá, được bố mẹ phục vụ đến tận răng nên việc gì cũng không biết làm, mai này không biết chúng xoay xở ra sao.

Tôi cũng từng nhìn thấy hình ảnh một bà mẹ lớn tuổi dắt chiếc xe máy cồng kềnh giữa trời mưa đường ngập nước, ở yên sau xe là cậu con trai to cao hơn người mẹ. Chắc hẳn nhiều người ái ngại khi bắt gặp cảnh đó giống như tôi.

Nghĩ lại thế hệ của tôi và bè bạn theo cha mẹ ra đồng từ thuở chập chững tập đi. Lớp hai lớp ba đã biết nấu cơm bếp rơm, lớn hơn một chút thì những việc cấy gặt, làm đất trồng cây đều thạo. Quá trình lao động ấy giúp tôi có sức chịu đựng tốt hơn với những khó khăn gặp phải sau này.

Khoảng hai năm trước khi thị trường chứng khoán có xu hướng tăng giá (uptrend), khi ấy nhà đầu tư nào cũng có lời, F0 nào mua cũng thắng. Lúc ấy, hầu hết bạn bè cùng công ty tôi đều đầu tư chứng khoán.

Buổi sáng đến công ty vừa giải quyết công việc vừa nhìn bảng điện tính lãi. Những hôm thị trường tăng mạnh, cổ phần tím lịm chúng tôi còn giỡn chơi với nhau: Hôm nay sếp mà mắng thì xin nghỉ việc luôn… Hai năm ấy, tôi cũng chểnh mảng deadline, không thiết tha nhiều với doanh số và khoản hoa hồng vì chứng khoán đã đem lại một khoản thu nhập kha khá.

Đến khi thị trường biến động đi xuống (downtrend), cổ phần giảm sàn liên tục, trắng bên mua, call margin chéo, lúc ấy tôi mới ngồi đọc thông tin phân tích thị trường một cách nghiêm túc để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Tôi cũng bỏ nhiều công sức hơn và chú tâm vào công việc. Một người chị nhắn vào nhóm chat đầu tư chứng khoán rằng: “Khởi động lại chất xám thôi, chúng ta đã lười biếng quá lâu rồi, kiếm tiền đợi dòng tiền quay lại nào”. Khi đó nhiều anh chị em trong nhóm chat chợt nhận ra mình đã “an nhàn” quá lâu rồi. Đồng tiền vốn không dễ kiếm, đồng tiền tạo ra từ chất xám và thành quả lao động vẫn là đồng tiền chắc chắn nhất.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, não bộ cũng giống như cơ bắp, cần được sử dụng thường xuyên để được khỏe mạnh. Luyện tập trí óc là cần thiết để cải thiện khả năng ghi nhớ. Đã khi nào bạn cảm thấy mình chưa thật sự suy nghĩ nghiêm túc, tận cùng trong khả năng của mình về một vấn đề nào đó hay chưa. Đã khi nào chúng ta cảm thấy suy nghĩ về điều đó khiến ta mệt mỏi nên ta chọn “khó quá bỏ qua”. Và não bộ của chúng ta cũng rơi vào cái bẫy của an nhàn.

Nếu các doanh nhân sớm bằng lòng với các thành tựu đạt được thì doanh nghiệp của họ không thể lớn mạnh và phát triển. Nếu các nhà khoa học không tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo thì nền khoa học kỹ thuật của thế giới không thể tiến bộ như ngày hôm nay. Người nghệ sĩ không say mê, hy sinh vì nghệ thuật, không ngừng sáng tạo thì liệu chúng ta sẽ có được những gì để mà chiêm ngưỡng?

An nhàn là phúc, là viễn cảnh mà hầu hết mọi người đều hướng đến. Nhưng quá an nhàn hay nhàn quá sớm lại dễ sinh chuyện. Nhàn khi chưa có tích lũy về vật chất, kiến thức và kinh nghiệm dễ khiến người ta nảy sinh lòng đố kỵ, ganh ghét, gây chuyện thị phi, tâm trạng u uẩn. Cuộc sống vì thế cũng trở nên vô nghĩa.

Rất nhiều người trẻ phấn đấu để được nghỉ hưu sớm, nhưng nghỉ hưu sớm ở đây không đồng nghĩa với sự an nhàn. Khi có đủ tích lũy tiền bạc như mong muốn, họ dành thời gian cho bản thân và các hoạt động cộng đồng. Sự vận động luôn diễn ra cả về thể chất lẫn tinh thần. Cuộc sống luôn có nhiều cạm bẫy bất ngờ và vô hình nhưng cái bẫy của sự an nhàn luôn hiện hữu, chỉ là ta có chủ động bước vào hay không.

Hoàng Hiền

Theo thesaigontimes.vn

largeer