Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, tiêu thụ lợn mắc bệnh

Thứ sáu, 18/07/2025 09:59 (GMT+7)

Bộ Y tế yêu cầu xử lý ổ dịch, tuyên truyền người dân không ăn thịt lợn chưa nấu chín sau vụ Hưng Yên ghi nhận 3 ca nghi nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh, khiến 2 người tử vong.

Mới đây, Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, yêu cầu triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng chống bệnh liên cầu lợn lây sang người.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), chỉ trong khoảng 2 tuần đầu tháng 7/2025, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 3 trường hợp nghi mắc liên cầu lợn, đều liên quan đến chùm ca bệnh sau ăn tiết canh lợn tại xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên.

Từ ngày 5 – 6/7, 17 người ở thôn An Vị và Đồng Kỷ (Hưng Yên) ăn tiết canh tại ba quán gần nhau. Sau đó, 6 người phải nhập viện, trong đó 2 người đã tử vong với các biểu hiện sốt cao, rối loạn tiêu hóa vào ngày 8/7.

Liên cầu khuẩn Streptococcus suis là tác nhân gây bệnh liên cầu lợn. Ảnh minh hoạ.

Liên cầu khuẩn Streptococcus suis là tác nhân gây bệnh liên cầu lợn, có thể lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua ăn uống, đặc biệt là tiết canh, thịt tái, phủ tạng chưa nấu kỹ.

Bệnh thường diễn biến nhanh, nguy hiểm với hai thể bệnh phổ biến như thể viêm màng não: gây sốt cao, đau đầu, buồn nôn, có thể dẫn đến điếc vĩnh viễn. Thể sốc nhiễm khuẩn: có thể gây suy đa cơ quan, xuất huyết, tỷ lệ tử vong từ 5–20%.

Cục Phòng chống bệnh yêu cầu ngành y tế Hưng Yên: Khẩn trương điều tra dịch tễ, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi nhiễm; Lấy mẫu xét nghiệm, điều trị kịp thời để tránh tử vong; Phối hợp cơ quan thú y phát hiện và xử lý ổ dịch trên đàn lợn; Tuyên truyền người dân không ăn tiết canh, sử dụng thịt lợn đã kiểm dịch và nấu chín kỹ.

Đặc biệt, người tham gia chăn nuôi, giết mổ, buôn bán lợn cần được hướng dẫn sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, giày ủng để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt tái, phủ tạng sống từ lợn; Chỉ mua thịt lợn đã được kiểm dịch; Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn; Không giết mổ lợn ốm, lợn chết, hoặc tiêu thụ sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; Người có vết thương hở cần tránh tiếp xúc với lợn sống hoặc thịt sống; Khi có dấu hiệu nghi ngờ (sốt cao, buồn nôn, tiêu chảy, ban xuất huyết…), đặc biệt sau khi tiếp xúc hoặc ăn thịt lợn không đảm bảo vệ sinh, phải đến cơ sở y tế ngay để khám và điều trị kịp thời.

Phương Hồng
Nguồn: sohuutritue.net.vn