Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bỏ xét tuyển sớm khiến áp lực vào đại học tăng vọt

Thứ ba, 18/02/2025 14:57 (GMT+7)

Nhiều học sinh THPT từng hy vọng xét tuyển sớm sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 với nhiều đổi mới. Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT quyết định bỏ phương thức này, áp lực đỗ đại học nay dồn hết vào kỳ thi chính, khiến sĩ tử lo lắng hơn bao giờ hết.

Vũ Minh Quang, học sinh trường Liên cấp Newton Hà Nội, chia sẻ: "Em đã có lộ trình rõ ràng từ lớp 10, chuẩn bị nhiều phương thức xét tuyển như IELTS, SAT, đánh giá năng lực và hồ sơ. Nhiều bạn khác cũng như em, nhưng giờ đây, quyết định bỏ xét tuyển sớm khiến mọi cố gắng bị ảnh hưởng, tạo ra áp lực rất lớn".

Việc thay đổi đột ngột này khiến không ít học sinh lo lắng khi phải dồn toàn bộ cơ hội vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đức Lễ, học sinh trường Hoàng Cầu, chia sẻ: "Trước đây, nếu đã trúng tuyển sớm, bọn em sẽ yên tâm hơn khi bước vào các kỳ thi sau. Nhưng giờ, khi xét tuyển sớm bị bỏ, toàn bộ áp lực đỗ đại học dồn hết vào kỳ thi duy nhất, khiến bọn em căng thẳng hơn rất nhiều".

Bỏ xét tuyển sớm khiến kỳ thi THPT Quốc gia trở thành áp lực lớn.

Việc loại bỏ xét tuyển sớm khiến kỳ thi THPT Quốc gia trở thành yếu tố quyết định duy nhất, buộc học sinh phải duy trì sự tập trung trong suốt quá trình học tập. Một giáo viên THPT tại Hà Nội nhận định: "Điều này chắc chắn làm tăng áp lực, nhưng học sinh giỏi vẫn có thể khẳng định năng lực. Tuy nhiên, đây không phải phương án tối ưu để đảm bảo công bằng, vì xét tuyển sớm dựa trên những căn cứ tương đối chính xác như chứng chỉ quốc tế hay thành tích học tập trong nhiều năm".

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), nhận định những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh 2025 sẽ tác động đáng kể đến phương thức tuyển sinh của nhiều trường. Tuy nhiên, theo ông, đây là bước điều chỉnh cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo đồng đều, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa các nhóm sinh viên.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), cho rằng việc bỏ xét tuyển sớm là cần thiết để đảm bảo sự công bằng giữa thí sinh ở các vùng miền. Theo ông, điều này không chỉ giúp tạo ra một hệ thống tuyển sinh ổn định, nâng cao chất lượng đầu vào mà còn giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định việc bỏ xét tuyển sớm sẽ tác động mạnh đến các trường đại học top dưới. Khi dữ liệu thí sinh được đưa vào hệ thống lọc ảo chung, sự cạnh tranh giữa các trường sẽ trở nên khốc liệt hơn.

“Theo đó, số lượng thí sinh đăng ký vào một số trường có thể giảm, ảnh hưởng đến quy mô tuyển sinh của các trường không thuộc nhóm top đầu”, ông Hải cho biết. Việc này đặt ra thách thức lớn cho các trường trong việc thu hút và đảm bảo đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết bộ sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng 2 với một số điều chỉnh so với dự thảo quy chế tuyển sinh được công bố trước đó.
Theo bà Thủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ hẳn xét tuyển sớm và chỉ xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Những năm trước, các cơ sở giáo dục thực hiện các đợt tuyển sinh xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy... thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, các trường vẫn có thể dùng các phương thức này để xét tuyển, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, bộ quy định điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng), đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa 30/30 điểm.

Theo Trịnh Hải (Tạp chí Lao động&Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn