Bất thường ở 4 tuyến đường Thủ Thiêm

Thứ sáu, 16/11/2018, 10:00 AM

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra ông Tất Thành Cang có vi phạm trong phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm

Cuối năm 2013, UBND TP.HCM đã ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh), chỉ định doanh nghiệp này làm nhà đầu tư xây dựng 4 tuyến đường nội đô tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) theo dạng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Người thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP để trực tiếp ký hợp đồng này là ông Tất Thành Cang, khi đó là Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

Ký kết không đúng thẩm quyền

Mục tiêu xây dựng 4 tuyến đường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm là để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, biến nơi đây thành đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, căn cứ vào hợp đồng, chủ đầu tư phải xây dựng đại lộ Vòng Cung (ký hiệu R1) dài 3,4 km, rộng 55 m; đường ven hồ trung tâm (ký hiệu R2) dài 3 km, rộng 29,2 m; đường ven sông Sài Gòn (R3) dài 3 km, rộng 28,1 m; đường vùng châu thổ (R4) dài 2,5 km, rộng từ 11,6 - 33,7 m. Tổng chiều dài 4 tuyến đường này gần 12 km với tổng mức đầu tư hơn 12.200 tỉ đồng.

Những con đường ngàn tỉ dang còn dang dở ở Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Những con đường ngàn tỉ dang còn dang dở ở Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Căn cứ theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức BOT, BT… thì UBND TP HCM chỉ được phê duyệt các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỉ đồng, trong khi dự án này tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng. Như vậy, việc ký kết trên là không đúng thẩm quyền.

1.000 tỉ đồng cho 1 km đường: Quá đắt đỏ!

Nếu chia theo độ dài tuyến đường thì kinh phí để làm 1 km đường của dự án này là hơn 1.000 tỉ đồng. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R (trụ sở ở quận 7) là đơn vị thẩm định dự án và đưa ra chi phí nói trên, sau đó được Sở Giao thông Vận tải TP đóng dấu đồng ý thẩm định ngày 24-10-2013. Tại bản thuyết minh dự án cho thấy số tiền dành cho chi phí đền bù rất ít. Hầu như ở dự án làm đường này chủ đầu tư chỉ việc san lấp, nâng đường, xây 10 cây cầu tổng chiều dài 1,8 km. Hai số liệu được cho rằng cao bất thường là chi phí quản lý dự án, chi phí đầu tư xây dựng và chi phí khác, có tổng số tiền lên đến gần 400 tỉ đồng.

Theo nhiều người nhìn nhận, 4 tuyến đường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm được định giá xây dựng là siêu đắt. Trong khi các tuyến đường này chủ yếu phục vụ cho khu đô thị Sala.

Khi bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Thủ Thiêm, Công ty Đại Quang Minh được UBND TP.HCM đổi lại khu đất gần 79 ha thuộc phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông. Vị trí đất được giao cho chủ đầu tư nằm lọt giữa 4 con đường. Như vậy, với việc giao đất làm dự án, chủ đầu tư đã không bỏ thêm tiền làm đường phục vụ dự án của mình mà được hưởng lợi trực tiếp từ hợp đồng BT. Nhiều chuyên gia nhận định trong thương vụ này, Công ty Đại Quang Minh có dấu hiệu được chính quyền TP.HCM lúc đó ưu ái bất thường. Bởi giá trị khu đất được hoán đổi ở thời điểm đó có giá không quá 30 triệu đồng/m2, còn hiện nay giá 1 m2 đất không dưới 200 triệu đồng. 

LÊ PHONG

Theo NLĐ