Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cảnh báo khẩn: 4 loại thuốc giả mạo giấy phép lưu hành Bộ Y tế, yêu cầu ngừng sử dụng ngay

Thứ bảy, 19/04/2025 23:28 (GMT+7)

Ngày 19/4, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phát đi công văn hỏa tốc gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị y tế ngành, yêu cầu khẩn trương rà soát và ngừng ngay việc lưu hành, sử dụng 4 loại thuốc giả mạo giấy phép lưu hành đang xuất hiện trên thị trường.

Động thái này được đưa ra sau khi Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp các đơn vị chức năng triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô lớn. Qua khám xét và thu giữ tang vật, lực lượng chức năng xác định có 21 loại thuốc giả, trong đó 4 loại giả mạo giấy phép đã từng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Các sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.

4 loại thuốc giả bị phát hiện gồm:

1. Tetracyclin TW3 – Viên nén (Tetracyclin hydroclorid 250mg), số đăng ký VD-28109-17, do Công ty CP Dược phẩm TW3 sản xuất, dạng lọ nhựa 400 viên.

2. Clorocid TW3 – Viên nén (Cloramphenicol 250mg), số đăng ký VD-25305-16, do Công ty CP Dược phẩm TW3 sản xuất, đóng gói tương tự loại trên.

3. Pharcoter – Viên nén (Codein base 10mg, Terpin hydrat 100mg), số đăng ký VD-14429-11, do Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco) sản xuất, đóng lọ 400 viên.

4. Neo-Codion (giả) – Giả mạo thuốc có số lưu hành 300111082223 (số cũ VN-18966-15), vốn là thuốc do Sophartex – Pháp sản xuất, dạng viên nén bao đường, đóng gói hộp 2 vỉ x 10 viên.

Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ nhiều thuốc giả. Ảnh Công an tỉnh Thanh Hóa

Các sản phẩm này được làm nhái tinh vi, từ mẫu mã, thông tin đăng ký đến tên nhà sản xuất nhằm đánh lừa các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế thông báo rộng rãi đến các nhà thuốc, cơ sở khám chữa bệnh và các điểm kinh doanh dược phẩm về 4 loại thuốc giả mạo trên, đồng thời tuyệt đối không kinh doanh, không sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào.

Đặc biệt, các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc... phải ráo riết rà soát toàn bộ quy trình mua bán, cung ứng thuốc trong thời gian qua. Trường hợp phát hiện sản phẩm nghi ngờ, chưa rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu bất thường, phải lập tức niêm phong, ngừng sử dụng và báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn