Airbus A321: Dòng máy bay thường xuyên gặp sự cố của Vietnam Airlines
Trục trặc kỹ thuật của máy bay Airbus A321, hãng hàng không Vietnam Airlines khiến hành khách phải chờ đợi suốt 2 giờ đồng hồ tối ngày 24/6 không phải là sự cố đầu tiên của dòng máy bay này. Trước đó, có ít nhất 5 sự cố nghiêm trọng từng xảy ra với dòng máy bay chủ lực của Vietnam Airlines.
Lốp bảo vệ, cánh thăng bằng bị hỏng liên tiếp
Ngày 26/3/2014, chiếc máy bay A321 thực hiện chuyến bay từ sân bay Liên Khương (Đà Lạt) - Tân Sơn Nhất (TP.HCM) của Vietnam Airlines gặp sự cố nghiêm trọng khi bị rơi lốp bảo vệ quạt làm mát phanh. Nguyên nhân ngay sau đó đã được xác định là do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng rút ngắn thời gian, không tuân thủ triệt để quy trình, cẩu thả, vội vàng dẫn đến sự cố.
Ngày 8/1/2016, chuyến bay VN162 sau 30 phút khởi hành từ Đà Nẵng thì đoàn bay phát hiện lốp số 1 của càng chính bên trái máy bay bị giảm áp suất đột ngột. Khi đến sân bay Nội Bài, chiếc máy bay Airbus A321 này đã phải bay vòng vòng trên không đến 30 phút rồi mới hạ cánh an toàn. Sau đó, các chuyên viên xác định nguyên nhân sự cố là do lốp cánh trái của máy bay có vết cắt do tác động của vật ngoại lai, gây ra hiện tượng mất chỉ thị áp suất ở lốp số 1 của càng chính bên trái.
Ngày 23/8/2016, máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Vietnam Airlines được phát hiện rách, cong đầu cánh thăng bằng ngang ở đuôi sau khi thực hiện chuyến bay số hiệu VN 1262 đưa khách từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Vinh (Nghệ An). Sự cố trên chỉ được phát hiện vào lúc 8h30 cùng ngày sau khi máy bay đã hạ cánh an toàn.
Sự cố máy bay suýt va chạm khi cắt ngang đường bay
Ngày 29/10/2014, tại sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay Airbus A321 cất cánh thì máy bay quân sự Mi 172/423 rẽ phải và cắt qua hướng cất cánh này. Lúc này hai máy bay chỉ cách nhau 60m. Vận tốc tối thiểu của 1 máy bay lúc cất cánh là 240km/h tức khoảng 67m/s, với khoảng cách 60m tức chỉ nhanh hơn 2s thì có thảm họa có thể xảy ra với hai chiếc máy bay này.
Phân tích sự cố sau đó cho thấy, nguyên nhân là do công tác tổ chức hợp đồng giữa hàng không dân dụng với quân đội chưa đúng quy trình.
Trục trặc kỹ thuật khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp
19h15 ngày 16/12/2014, chiếc máy bay Airbus A321 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vì gặp trục trặc kỹ thuật phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài. Trong khi theo lộ trình, chuyến bay phải đáp xuống sân bay Vinh (Nghệ An).
Cụ thể, áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 feet (khoảng 11.000m) xuống 13.000 feet (khoảng 4.000m) - tức là chiếc máy bay đột ngột hạ độ cao tới 7km. Ngay lập tức, mặt nạ dưỡng khí bung ra để trợ giúp hành khách và phi hành đoàn.
Để có điều kiện trợ giúp tốt nhất, tổ bay trên trên chiếc Airbus A321 đã xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài. Sau đó, máy bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn.
Hạ cánh vào đường bay chưa được phép sử dụng
Vào lúc 14h53 ngày 29/4/2018, máy bay A321 của Vietnam Airlines từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) – Cam Ranh (Khánh Hoà) đã hạ cánh xuống đường CHC số 02 chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh.
Sau khi tàu bay hạ cánh, tất cả hành khách trên tàu đều an toàn, không ai gặp vấn đề về sức khỏe. Ngay lập tức đã có hình thức kỉ luật cho đoàn bay và tổ điều tra được thành lập để làm rõ nguyên nhân sự cố này.
Trục trặc liên tiếp khiến hành khách phải qua đêm tại sân bay
Chuyến bay VN190 của Vietnam Airlines bay từ sân bay Đà Nẵng - Nội Bài (Hà Nội) ngày 14/5/2018 bằng máy bay A321 có giờ xuất phát lúc 20h10, hành khách sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục để lên máy bay và chờ đến 22h30 thì được cơ trưởng thông báo “máy bay bị lỗi kỹ thuật, yêu cầu hành khách rời khỏi máy bay đem theo tất cả hành lý trở lại phòng chờ”. Phải đến 2h00 ngày 15/5, hành khách mới được bố trí lên chiếc máy bay khác là chiếc Boeing 787-9.
Sau 60 phút chạy lòng vòng trên đường băng thì Boeing 87-9 lại phải quay trở lại, nhân viên tiếp tục thông báo chuyển toàn bộ hành khách trở lại máy bay A321 ban đầu.
Tuy nhiên, sau khi hành khách trở lại chiếc máy bay A321 lần hai, thì máy bay A321 vẫn chưa khắc phục được sự cố khiến hành khách phải rời máy bay trở lại phòng chờ sau một tiếng đồng hồ chờ đợi. Tất cả hành khách lúc này đều mệt mỏi vì phải di chuyển liên tục, chờ đợi tại phòng chờ trong điều kiện nhiệt độ thấp nhưng lại không được cấp đầy đủ các vật dụng giữ ấm.
4h ngày 15/5/2018, chuyến bay khác từ sân bay Đà Nẵng - Nội Bài (Hà Nội) đã chở theo gần 200 hành khách trên chuyến bay VN190, số còn lại nằm chờ tại sân bay Đà Nẵng để đi các chuyến kế tiếp, một số ít được nhân viên hãng lo cho nghỉ tại khách sạn trong thành phố.
Tuy các sự cố trên đều đã kịp thời khắc phục và không gây ra hậu quả đáng tiếc về tính mạng hành khách, nhưng việc dòng máy bay A321 liên tục gặp sự cố về kỹ thuật lẫn nhân viên đã khiến hành khách ngày càng lo ngại về độ an toàn của dòng máy bay này. Dù A321 được giới thiệu là dòng máy bay cải tiến vượt trội và là dòng máy bay chủ lực trong đội bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.
T/h: Hoài Viễn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường