Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

10 địa phương tăng trưởng mạnh nhất Việt Nam, nhiều nơi lập kỷ lục

Chủ nhật, 02/02/2025 09:04 (GMT+7)

Năm 2024, cả nước có 10 địa phương ghi nhận tăng trưởng GRDP trên 10%. Trong đó, các thủ phủ công nghiệp khu vực miền Bắc dẫn đầu cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 7,09% so với năm trước, trong đó, có 10 địa phương ghi nhận tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%.

Số 1 - Bắc Giang: 13,85%

Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang cho biết, mặc dù năm 2024 địa phương này gặp nhiều yếu tố bất lợi như: thời tiết biến đổi bất thường làm mất mùa vải thiều; hoạt động xây dựng suy giảm khi giải ngân vốn đầu tư công chậm... Tuy nhiên, tăng trưởng GRDP vẫn ước đạt 13,85%, đây là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

Tăng trưởng GRDP tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,85%. (Ảnh: BBG)

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,94%; khu vực dịch vụ tăng 6,83%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 11,66%.

Điểm sáng đáng chú ý thuộc về khu vực công nghiệp - xây dựng, khi tiếp tục có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (đóng góp 12,93 điểm %), là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Dù đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, song, theo cơ quan thống kê tỉnh Bắc Giang, tốc độ tăng trưởng GRDP của địa phương này đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

Số 2 - Thanh Hoá: 12,16%

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Thanh Hóa diễn ra ngày 30/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cho hay, kinh tế tỉnh duy trì tăng trưởng cao, trên từng lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước.

Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước. (Ảnh: BTH)

Đặc biệt, năm 2024, thu ngân sách Nhà nước của Thanh Hóa ước đạt 54.341 tỷ đồng (vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ), cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng GRDP đạt 11% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.750 USD trở lên (mức thu nhập này của người dân Thanh Hóa năm 2024 là 3.360 USD). 

Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng khác cũng đều được Thanh Hóa đặt mục tiêu cao là tổng giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt từ 140.000 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 45.492 tỷ đồng trở lên.

Số 3 - Bà Rịa Vũng Tàu: 11,72%

Năm 2024, tình hình kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu có những chuyển biến đột phá hơn so với năm 2023, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều chuyển biến theo xu hướng tăng cao dần. Tăng trưởng GRDP đạt 11,72% cao hơn dự toán, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua và đứng thứ 3 cả nước.

Tăng trưởng GRDP đạt 11,72%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. (Ảnh: BRVT)

Theo đó, năm 2024, tỉnh có 36/37 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; Giải ngân vốn hơn 20.011 tỷ đồng; tổng thu ngân sách ước đạt khoảng 96.164 tỷ đồng; GRDP (trừ dầu thô và khí đốt) bình quân đầu người đạt hơn 9.000 USD/người/năm.

Khu vực cảng biển, logistics và hạ tầng giao thông kết nối tiếp tục được thúc đẩy; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tăng 11,25%; phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 580 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của địa phương với 57 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 30 dự án mới trong và ngoài nước, với tổng vốn hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài và hơn 42.013 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 136% kế hoạch năm 2024 và gấp 2,1 lần năm 2023.

Số 4 - Hải Phòng: 11,01%

Số liệu từ Cục Thống kê TP Hải Phòng cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố năm 2024 ước đạt 288.492 tỷ đồng, tăng 11,01% so với năm trước và đứng thứ 4 cả nước.

GRDP trên địa bàn Thành phố Hải Phòng năm 2024 ước đạt 288.492 tỷ đồng, tăng 11,01%. (Ảnh: BHP)

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng khi giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2024 tăng 14,02% so với năm trước, đóng góp 7,1 điểm % vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát huy vai trò là trụ đỡ (trên 90% giá trị tăng thêm).

Tổng thu NSNN ước đạt 118.255,3 tỷ đồng, bằng 120,86% dự toán Trung ương giao, bằng 110,77% so với dự toán HĐND thành phố giao. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/12/2024 đạt 361.583 tỷ đồng, tăng 9,65% so với năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện ước đạt 211.481 tỷ đồng, tăng 10,09% so với năm trước. Tính hết năm 2024, Hải Phòng thu hút FDI đạt hơn 4,9 tỷ USD, trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 126 dự án, đạt 757,43 triệu USD; vốn đăng ký điều chỉnh có 72 dự án với số vốn tăng là hơn 3,724 tỷ USD. Lũy kế, Hải Phòng có 1.020 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 33,8 tỷ USD.

Số 5 - Hà Nam: 10,93%

Cục Thống kê tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2024, tình hình kinh tế xã hội tỉnh này tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. GRDP ước đạt hơn 56.116 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023, cao thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, chỉ sau Bắc Giang và xếp thứ 5 cả nước.

GRDP tỉnh Hà Nam ước đạt hơn 56.116 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023. (Ảnh: BHN)

Khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp 8,77 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò chủ đạo với tốc độ tăng trưởng 15,02%, đóng góp 8,4 điểm % vào mức tăng GRDP.

GRDP bình quân đầu người năm 2024 (theo giá hiện hành) ước đạt 109,8 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế năm 2024 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và dịch vụ.

Vốn đầu tư phát triển ước đạt hơn 45.678 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2023. Thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 ước tính đạt 16.958,1 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm trước và bằng 105,5% so với dự toán địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 54.503 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2023…

Số 6 - Lai Châu: 10,52%

Theo Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, GRDP năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 15.038 tỷ đồng, tăng 10,52%, đây là mức tăng cao nhất giai đoạn 2020-2024 (Tăng trưởng của Lai Châu đứng thứ 2/14 tỉnh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc).

GRDP tăng trưởng chủ yếu đến từ ngành sản xuất và phân phối điện. (Ảnh: TTĐT địa phương)

GRDP tăng trưởng chủ yếu đến từ ngành sản xuất và phân phối điện chiếm tỷ trọng 31,99%, tăng 29,92% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Lai Châu có 11 nhà máy thủy điện mới hoàn thành đi vào phát điện với tổng công suất lắp máy là 188,3 MW, cùng với điều kiện thời tiết mưa nhiều làm tăng sản lượng điện so với năm trước.

Ngoài ra, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cũng tăng khá cao, tăng 269,03% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,82% GRDP, tăng 4,69%; giáo dục chiếm 8,01% GRDP, tăng 5,27%.

Bên cạnh những ngành chiếm tỷ trọng lớn và tăng, thì ngành xây dựng chiếm tỷ trọng 9,54% GRDP, giảm 6,65% so với năm trước do thời tiết mưa kéo dài trong nhiều tháng, tiến độ giải ngân chậm.

Số 7 - Hải Dương: 10,2%

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương ước đạt 10,2%, cao thứ 3/11 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng; Hà Nam) và xếp thứ 7 cả nước.

Quy mô kinh tế tỉnh Hải Dương ước đạt 212.386 tỷ đồng. (Ảnh: BHD)

Quy mô kinh tế ước đạt 212.386 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 107,4 triệu đồng/người (tương ứng 4.456 USD/người); đứng thứ 8/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nhóm ngành nông lâm thủy sản đóng góp 0,2 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 7,21 điểm%; dịch vụ đóng góp 1,98 điểm%; thuế và trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,81 điểm%.

UBND tỉnh xây dựng kịch bản GRDP theo giá so sánh năm 2025 đạt 132.632 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 31.900 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 80.850 tỷ đồng, tăng 25,7%.

Mục tiêu thu hút FDI của địa phương năm nay là từ một tỷ USD trở lên. Khởi công xây dựng 20 dự án trọng điểm, quan trọng; 7 dự án phát triển nhà ở xã hội (tương ứng 4.515 căn hộ).

Số 8 - Khánh Hoà: 10,16%

Theo công bố của đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2024, 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra theo nghị quyết của HĐND tỉnh, là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế "2 con số".

Tổng doanh thu từ du lịch đạt 53.151 tỷ đồng, tăng 56,4% so với năm 2023. (Ảnh: Công báo Khánh Hoà)

Trong đó, GRDP tăng 10,16% so với năm 2023, đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Thu ngân sách Nhà nước hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng với tổng thu đạt 20.443,2 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023 và vượt 22,5% kế hoạch.

Đặc biệt, ngành du lịch tăng trưởng rất mạnh với 10,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,7 triệu lượt khách nước ngoài. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 53.151 tỷ đồng, tăng 56,4% so với năm 2023.

Các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng như: Sản xuất công nghiệp tăng 27,15%; dịch vụ tiêu dùng tăng 13,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,5% so với năm trước.

Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đều được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; công tác giải ngân vốn đầu tư công được quyết liệt thực hiện, tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng...

Số 9 - Trà Vinh: 10,06%

Trong năm 2024, GRDP của tỉnh Trà Vinh ước tính tăng 10,04% so với năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,15%, đóng góp 1,26 điểm %; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,23%, đóng góp 6,56 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 2,05 điểm %.

Ngành sản xuất điện là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 27,1%. (Ảnh: NMNĐ Duyên Hải)

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 22,89% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 6,89 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất điện là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 27,1%, đóng góp 5,69 điểm %.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,6%; khu vực dịch vụ chiếm 29,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,06% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 28,34%; 35,92%; 30,31%; 5,43%).

Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 của tỉnh ước đạt 96.623 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 94,37 triệu đồng/người, tăng 12,04 triệu đồng so với năm 2023.

Số 10 - Nam Định: 10,01%

Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, nền kinh tế - xã hội tỉnh này năm 2024 duy trì ổn định và có bước phát triển. GRDP năm 2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 62.420 tỷ đồng, tăng 18%. (Ảnh: BNĐ)

Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người giá hiện hành đạt 59,83 triệu đồng/người, tăng 14,35% so với năm trước.

Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,5%; khu vực dịch vụ chiếm 35,68%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,12%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tăng 14,56%; Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 62.420 tỷ đồng, tăng 18%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 78.080 tỷ đồng, tăng 13,8%.

Theo Thiên Dân (Tạp chí Lao động & Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn