Xét tuyển đại học: Cảnh báo chiêu trò lừa đảo thí sinh

Thứ sáu, 14/07/2023, 14:52 PM

Trong lúc nhiều trường đại học (ĐH) đang công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) của các phương thức xét tuyển sớm, thì xuất hiện nhan nhản các kiểu mạo danh lôi kéo thí sinh trúng tuyển tham gia hội nhóm nhằm mục đích lừa đảo. Trước thực tế này, nhiều trường đã cảnh báo để thí sinh tránh “sập bẫy”.

Nhiều chiêu thức lừa đảo

Theo Th.S Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), sau khi trường công bố điểm chuẩn dành cho các phương thức xét tuyển sớm, nhiều cán bộ của phòng phát hiện có các nhóm trò chuyện (chat) qua Zalo, Facebook mạo danh trường để lôi kéo thí sinh vừa trúng tuyển. Những thủ đoạn mà các nhóm này lừa đảo gồm: giới thiệu các khóa học tiếng Anh đầu vào miễn phí, giới thiệu việc làm, học ngoại ngữ để du học...

Một số cán bộ đã vào các nhóm chat này và phát hiện trưởng nhóm không phải là sinh viên của trường. Sau khi được góp ý thì lập tức họ chuyển sang nhóm kín để tiếp tục hoạt động. Các nhóm này thường đóng vai anh, chị học khóa trên đăng lên diễn đàn với nội dung: “Em có câu hỏi gì thắc mắc thì inbox riêng anh/chị hoặc kết bạn để anh/chị add vào group chat của trường”... “Năm ngoái, trường đã có sinh viên bị dụ dỗ đóng tiền du học, khi đến nơi thì phát hiện bị lừa”, Th.S Cù Xuân Tiến cho biết.

Theo thông tin từ Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thời gian gần đây, có những nhóm đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo thông qua việc tuyển cộng tác viên làm việc trực tuyến từ các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram... Không ít người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trực tuyến, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là một hồi chuông báo động để các sinh viên cảnh giác trước những công việc được quảng cáo “việc nhẹ lương cao”.

Các trường đại học đăng thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến để thí sinh nhận biết

Các trường đại học đăng thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến để thí sinh nhận biết

“Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, các bạn hãy đến các cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Với sự xuất hiện của các hình thức lừa đảo mới, các bạn nên nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để bảo vệ cho bản thân cũng như mọi người xung quanh nhé”, trang web Trường ĐH Kinh tế TPHCM nêu rõ.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), cho hay, trường đã phát đi cảnh báo về việc tham gia các hội nhóm tân sinh viên tự phát đến phụ huynh và thí sinh trên trang Facebook của trường, với nội dung: “Sau khi có kết quả của hai phương thức xét tuyển sớm của nhà trường, trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo bắt đầu xuất hiện một số hội nhóm không chính thống dành cho các tân sinh viên khóa 2023. Trường xin thông báo hiện nhà trường không tạo bất cứ Fanpage, group Facebook, group Zalo chính thức nào cho tất cả các khóa, đặc biệt là cho tân sinh viên khóa 2023. Quý phụ huynh và các bạn học sinh cần hết sức cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội và hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ... để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Thí sinh phải nâng cao cảnh giác

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM, khuyến cáo các thí sinh vừa trúng tuyển, và ngay cả sinh viên của trường, phải hết sức cảnh giác trước những thông tin mạo danh nhà trường để dụ dỗ tham gia các hội nhóm, việc làm, học thêm…

“Các trường hiện nay đều có trang thông tin chính thống và mọi thông tin đều công khai, rất rõ ràng. Chính vì vậy, khi tiếp nhận những thông tin kiểu mời gọi làm thêm “việc nhẹ lương cao”, miễn giảm học phí... không rõ ràng thì tốt nhất là các em không nên tham gia hoặc có thể kiểm chứng thông tin bằng cách liên hệ qua điện thoại hotline, email với nhà trường. Phụ huynh, học sinh đừng nghe theo những thông tin trên Facebook, Zalo, YouTube, TikTok... không chính thống từ nhà trường”, Th.S Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Cùng quan điểm, Th.S Cù Xuân Tiến cho rằng, thủ đoạn của các nhóm chat trên mạng xã hội rất tinh vi, thường thấy nhất là lôi kéo thí sinh, sinh viên tham gia nhóm. Sau đó là mời gọi vào chat zoom để tư vấn chuyên sâu, giới thiệu về nhóm hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sinh viên, giao lưu với các sinh viên trường khác... Tiếp theo, sinh viên sẽ dần dần bị lôi kéo vào đường dây mua bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, các nhóm này yêu cầu sinh viên gửi thông tin cá nhân hoặc giấy báo nhập học để lấy mã số định danh, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng… nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt. Do đó, sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, không chuyển tiền học phí hay bất kỳ khoản phí nào cho các nhóm này.

“Các em phải liên hệ với nhà trường để xác minh thông tin. Mọi thủ tục nhập học hay đóng học phí đều được các trường thông báo rõ ràng bằng văn bản, có đóng dấu đỏ, có số điện thoại để liên hệ”, Th.S Cù Xuân Tiến nhấn mạnh.

THANH HÙNG

Theo sggp.org.vn