“Vùng đất câm lặng” – bước tiến mới của dòng phim kinh dị

Thứ năm, 26/04/2018, 15:46 PM

Bộ phim kinh dị “A Quiet Place” – “Vùng đất câm lặng” của đạo diễn John Krasinski đang gây sốt khắp ở các phòng vé trên thế giới và giữ vị trí số 1 tại Bắc Mỹ. Không chỉ khiến người xem phải “nghẹt thở”, bộ phim còn khiến người xem phải xúc động vì tính nhân văn mà nó mang đến.

Tình cảm gia đình được đề cao đến mức tối đa.

Nếu như các bộ phim kinh dị khác tập trung vào việc tạo cảm giác “sợ hãi” cho người xem thì “Vùng đất câm lặng” lại làm cùng một lúc hai việc, vừa cuốn hút khán giả vào những chi tiết “rùng rợn” vừa gây xúc động về tình cảm gia đình.

Loài sinh vật lạ không có mắt nhưng có đôi tai cực thính, tuyến giáp dày xuất hiện tấn công và tước đi mạng sống của bất cứ vật gì tạo ra âm thanh. Gia đình nhà Abbott là những người hiếm hoi sống sót sau hàng loạt vụ tấn công của loài sinh vật này. Họ đã tự đặt ra cho mình những cung cách sinh hoạt nghiêm khắc, không tạo ra âm thanh, ngay cả nói chuyện với nhau cũng phải sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để có thể tồn tại trước sự tàn độc của loài sinh vật nguy hiểm.

Gia đình của hai vợ chồng Evelyn - Lee

Gia đình của hai vợ chồng Evelyn - Lee

Tình cảm gia đình được thể hiện rõ ràng nhất trong “Vùng đất câm lặng” chính là tình yêu vô bờ bến mà cha mẹ dành cho những đứa con. Chi tiết cô chị gái đưa cho đứa em út của mình chiếc máy bay trực thăng đồ chơi đã được tháo pin nhưng cậu em vì còn quá nhỏ không hiểu được những điều nguy hiểm đang rình rập xung quanh mình, cậu đã gắn pin vào chiếc trực thăng và tiếng âm thanh mà thứ đồ chơi phát lên đã cướp đi mạng sống của cậu trong sự chứng kiến của tất cả những thành viên còn lại. Họ đau đớn, họ nghẹn ngào nhưng không thể cất thành tiếng khóc, bởi nếu khóc họ cũng sẽ là những người ra đi tiếp theo.

Cái chết của người con trai út đã để lại một sự ân hận đi kèm cảm giác tội lỗi với cô con gái lớn Regan (Millicent Simmonds). Cô luôn nghĩ rằng cha của cô sẽ không thương cô nữa vì cô đã giết chết em trai của mình. Từ đó, Regan có lối sống hơi cô lập, cô tự tạo khoảng cách giữa mình và các thành viên khác trong gia đình. Thế nhưng, lại ngay chính khoảnh khắc sóng gió nhất ở gần cuối phim, khi Regan và cậu em giữa Marcus (Noah Jupe) đang đối mặt với cái chết thì người cha Lee (John Krasinski) đã cất lên tiếng thét vang trời đổ dồn sự chú ý của con quái vật về phía mình để cứu các con. Trước khi chết, Lee đã ra hiệu với Regan rằng “Cha yêu con”, điều đó khiến cô bé Regan vô cùng ân hận vì đã “nghi ngờ” tình cảm mà cha dành cho mình.

Hai chị em Regan và Marcus trong lần chạy trốn những con quái vật.

Hai chị em Regan và Marcus trong lần chạy trốn những con quái vật.

Câu chuyện cảm động nhất có lẽ đến từ nhân vật người mẹ Evelyn (Emily Blunt), cô đang nằm trong những ngày cuối cùng của thai kỳ, ở cái nơi mà chỉ cần “hé miệng” là sự sống bị tước đoạt cô đã phải chịu đựng những cơn đau. Cô đã sinh đứa bé ra một mình ở nhà với bàn chân đang bị thương rất nặng và con quái vật thì đang chực chờ kế bên tìm kiếm xem thứ âm thanh nào vang lên là sẽ đến “dứt điểm” ngay. Thử hỏi, nếu đó không là do tình mẫu tử thì từ đâu cô có được sự kiên cường như vậy? Cô vẫn luôn nhắc chồng mình câu hỏi: “Chúng ta là ai khi không bảo vệ con cái?”. Và chính Evelyn đã là người cùng với Regan tiêu diệt lũ quái vật sau cái chết của chồng.

Evelyn một mình sinh con với nhiều mối nguy hiểm đang

Evelyn một mình sinh con với nhiều mối nguy hiểm đang "rình rập" xung quanh.

Sự im lặng vượt ra khỏi màn ảnh

Điều thành công nhất mà bộ phim mang đến cho khán giả chính là cảm giác chân thật. Hầu như hơn 90% bộ phim không có bất kì một lời nói, chỉ đơn thuần là những tiếng thì thầm, tiếng thở, tiếng di chuyển… đúng với cái tên “Vùng đất câm lặng”. Điều tưởng chừng rất dễ này lại vô cùng khó. Bởi lẽ, nếu không có những âm thanh đó thì cả bộ phim sẽ gây nhàm chán, còn nếu âm thanh quá nhiều, không phù hợp, không đúng lúc thì lại thiếu đi tính chân thật.

Điều kinh dị ở đây, không còn nằm trong giới hạn của những khung hình, phim kinh dị không chỉ gây sợ hãi cho khán giả bằng những hình thù ghê rợn của những con quái vật hay những tiếng âm thanh cực kì man rợ. Có thể nói, khâu xử lý âm thanh ở đây được mệnh danh là “đánh đâu thắng đó”. Mọi thứ đang chìm trong câm lặng, một âm thanh vang lên và chỉ trong chớp mắt, con quái vật xuất hiện và “xử lí” con mồi.

Poster phim

Poster phim "Vùng đất câm lặng".

Một bước tiến mới cho phim kinh dị

“Vùng đất câm lặng” có thể được xem như một thủ pháp làm phim mới cho dòng phim kinh dị, khi không cần sử dụng quá nhiều kĩ xảo hay tiếng la hét đến rợn người mà vẫn đạt được hiệu ứng như mong muốn.

Bên cạnh đó, việc truyền tải song hành thông điệp nhân văn cũng nâng tầm giá trị của bộ phim lên một bậc. Xoá tan định kiến phim kinh dị chỉ là thể loại phim dùng để “doạ” khán giả.

Đức Tiến

Theo NTD

largeer