Vụ tòa án lập khống 57 hồ sơ: Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông nhận trách nhiệm
Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết bản thân ông và tập thể Ban cán sự Đảng đã có báo cáo kiểm điểm liên quan vụ toà án cấp huyện làm khống 57 hồ sơ án dân sự. Đồng thời cho biết, vụ việc do động cơ cá nhân, chưa gây thiệt hại cho nhà nước nhưng ảnh hưởng đến uy tín của ngành tòa án.
Lập khống hồ sơ thuộc “phạm trù đạo đức”
Ngày 10/6, trao đổi với PV Tiền Phong về vụ việc lập khống 57 hồ sơ xét xử xảy ra tại TAND huyện Đắk Song, ông Ngô Đức Thọ - Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết: Với vai trò là người đứng đầu TAND 2 cấp, ông đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao.
“Tập thể Ban cán sự Đảng TAND tỉnh cũng báo cáo kiểm điểm, qua đó nhanh chóng khắc phục những vi phạm, khuyết điểm”, ông Thọ nói.
Vị Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm, chủ mưu của vụ làm 57 bộ hồ sơ khống trên là bà Bùi Thị Dung, Thẩm phán TAND huyện Đắk Song (đã làm đơn xin nghỉ việc từ 1/4/2017). Nhưng sau khi vụ việc vỡ lở, ông Phạm Văn Phiếm - Chánh án đã bị điều chuyển công tác về huyện Tuy Đức và bà Nguyễn Thị Hải Âu - Phó chánh án TAND huyện Đắk Song phụ trách án dân sự khi đó bị điều chuyển sang huyện Krông Nô. “Đây đều là những vùng xa xôi và khó khăn bậc nhất của tỉnh Đắk Nông”, ông Thọ nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau vụ việc trên, ông Phiếm được điều chuyển làm Chánh án TAND TP. Gia Nghĩa, đến tháng 11/2020 mới chuyển sang làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức.
Trả lời về việc cơ quan chức năng của tỉnh có điều tra, xem xét xử lý dấu hiệu làm giả tài liệu của tổ chức, cá nhân không, ông Thọ cho biết: “Vụ việc này là làm khống, chưa gây thiệt hại cho nhà nước. Các vụ án chưa được đưa ra xét xử nên chưa có thanh toán hỗ trợ cho HĐXX, do đó không có thiệt hại. Tuy nhiên, việc làm này liên quan đến đạo đức, phẩm chất cán bộ, công chức và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tòa án”.
Quảng Cáo Viện kiểm sát từng kiến nghị xử lý
Theo nguồn tin của Tiền Phong, năm 2017, Viện KSND tỉnh Đắk Nông ký quyết định thành lập đoàn xác minh vụ việc có liên quan đến việc lập khống hồ sơ xét xử. Trong thành phần đoàn có lãnh đạo TAND tỉnh này cùng tham gia. Sau quá trình kiểm tra, Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị xử lý cán bộ liên quan nhưng Chánh án TAND tỉnh này không thực hiện.
“Mãi đến sau này (năm 2020), Thanh tra TAND Tối cao vào kiểm tra, phát hiện vi phạm trên, yêu cầu xử lý, điều chuyển công tác các cán bộ liên quan thì việc xử lý cán bộ mới thực hiện”, một cán bộ có chức trách cho biết.
Khi được hỏi tại sao bà Dung không bị xử lý kỷ luật, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông Ngô Đức Thọ chỉ nói: “Bà Dung xin nghỉ việc trước khi có kết luận”.
Nêu quan điểm về việc lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự, Luật sư Phan Ngọc Nhàn - Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk (nguyên là Thẩm phán, Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ) cho rằng: Việc Tòa án nhân dân huyện Đắk Song thụ lý khống hàng chục vụ án dù có hay không động cơ vụ lợi, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao cần tiến hành điều tra xác minh. Nếu có căn cứ phải khởi tố vụ án để xử lý theo quy định.
TUẤN NGUYỄN - VŨ LONG
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội